Vừa nhìn thấy một chú chó Fox bên vệ đường, Tam Mao chồm người, lông cổ và ngực dựng lên như bờm sư tử, cổ họng phát ra âm thanh thể hiện sức mạnh to lớn từ cơ thể và tính cách. Nó giằng xích, định lao ra. "Tam Mao, yên", tiếng quát vang lên. Nó đành ngồi xuống cạnh cô chủ, dù vẫn phát tiếng hầm hè.
"Ngay lần đầu nhìn thấy Tam Mao tôi đã mê chính từ sự dũng mãnh này của nó", chị Lê Hà, 33 tuổi, chủ của Tam Mao cho biết.
Lê Hà là một người yêu chó khá có tiếng ở Hà Nội. Cô đang sở hữu những chú chó Phú Quốc được săn đón nhiều nhất Việt Nam. Hồi tháng 6, trong buổi offline những người nuôi chó thuần Việt, Hà gặp Tam Mao, thuộc giống chó Bắc Hà. Bộ lông đen tuyền và dày xù, cái bờm ở cổ của chú chó vùng cao khiến chị cảm thấy rất tò mò và háo hức.
"Lần đầu gặp, Tam Mao đứng trên bãi cỏ với những con chó khác. Nó thân thiện, có chủ ở bên thì ai cũng chơi được với nó. Nhưng khi có một con chó bên cạnh lại gần, nó lập tức có phản ứng tự vệ, lông cổ ngực dựng lên như bờm để bảo vệ lãnh thổ của mình. Chính lúc ấy vẻ đẹp của nó phô ra", Hà kể. Ngay lúc đó, Lê Hà hỏi mua luôn nhưng người chủ của Tam Mao từ chối thẳng thừng.
Cũng trong buổi offline đó, Hà chia sẻ về nguyện vọng giống chó Bắc Hà được công nhận là một trong những giống chó bản địa Việt Nam. "Là một người yêu chó Bắc Hà, từ rất lâu tôi cũng mong chờ điều này", chủ cũ của Tam Mao cho biết.
Tại cuộc thi các giống chó bản địa Việt Nam hồi cuối tháng 10, Tam Mao được đánh giá rất cao, với các đặc điểm gần sát bản tiêu chuẩn và có khả năng nhân giống tốt. Một lần nữa Hà đề nghị mua lại Tam Mao và tặng thêm một chú chó Phú Quốc, nhưng vẫn bị cự tuyệt. Cô không ngờ năm ngày sau, chủ của Tam Mao lại chấp nhận bán nó. "Có lẽ sau sự kiện công nhận giống chó, chủ của Tam Mao thêm tin tưởng tôi nên chấp nhận giao con vật cưng lại cho tôi,vì tin nó sẽ có tương lai tốt hơn", Hà cho hay.
Giá chuyển nhượng Tam Mao là 75 triệu đồng - mức giá được xem như cao nhất trong dòng chó này từ trước tới nay. Hà vẫn chấp nhận mua.
Chủ cũ của Tam Mao - một huấn luyện viên chó becgie - chia sẻ thêm, anh mua nó 2 năm trước. Lúc đến đón, Tam Mao không được chăm sóc kỹ, vóc dáng, bộ lông xấu, song anh cảm nhận được "khí chất" của nó. "Khi mới về với tôi, Tam Mao là một con chó nguyên bản. Tôi đã tạo điều kiện để nó phát huy hết khả năng của mình", anh cho biết.
Sống cùng người chủ này, Tam Mao được nuôi trong một trang trại, phía sau là một quả đồi. Nó được thỏa mãn bản tính tự nhiên, săn bắt các loài chuột, rắn. Chủ cũ cũng huấn luyện nó theo hiệu lệnh, phản ứng ra sao khi đối phương là "bạn", là "thù". Từ một con "thú hoang", Tam Mao được thuần hóa, giờ đây rất dạn người và phát huy hết sở trường của nó là trông nhà và nhân giống. Tính cách của giống này với người nhà thì hiền lành, quấn chủ, với người ngoài thì luôn cảnh giác, bất khả xâm phạm, nên nuôi trông nhà rất tốt.
Khi về với Lê Hà, 5 ngày đầu Tam Mao bỏ ăn. Vốn khá bận, người phụ nữ này vẫn gác lại công việc, dành nhiều thời gian hơn cho nó và thay đổi các loại thịt khác nhau. Mãi sau đó biết Tam Mao vốn đã quen ăn thịt tươi nên cô chủ này đành cho nó chế độ ăn khác hoàn toàn những con chó khác ở nhà. Mỗi ngày Tam Mao thường ăn một lần, tương đương nửa kg thịt lợn, bò hoặc thịt ức gà.
Từ xa xưa, chó Bắc Hà đã là bạn của bà con dân vùng cao Bắc Hà và được lựa chọn cho các cuộc đi săn. Chúng có bước chạy uyển chuyển, thay đổi hướng khéo léo trên địa hình miền núi, tính kỷ luật cao, dễ huấn luyện cũng như nghe lời chủ nhân. Chúng đặc biệt phục tùng và trung thành với chủ, nhưng lại là một "chiến binh" không khoan nhượng với những kẻ xâm phạm lãnh thổ của mình, nên để trông nhà rất tốt.
Ngày nay, tìm được một chú chó chuẩn Bắc Hà rất khó, kể cả lên tận vùng đất quê hương của chúng do bị lai tạp và người yêu chó lùng mua rất nhiều.
"Giống chó Bắc Hà được công nhận là chó bản địa cũng sẽ mở ra một trang mới, một khi quý hơn, giá đắt hơn tự khắc nó sẽ được bảo vệ", Hà nói.
Phan Dương