Tại cuộc thi các giống chó bản địa Việt Nam diễn hồi cuối tháng 10, lần đầu tiên giống chó Bắc Hà được tham dự. Vượt qua hàng chục thí sinh thuộc ba giống chó "thuần Việt" là Phú Quốc, Mông cộc và Bắc Hà, chú cho tên Sói của anh Hoàng Quốc Việt, 35 tuổi, ở Hà Nội đã giành ngôi cao nhất.
"Ngay khi biết giống Bắc Hà được tham dự, tôi đã xác định "sẽ để Sói chơi hết mình", anh Việt kể. Hơn 20 ngày trước cuộc thi, anh bắt đầu cho Sói vào "lò luyện". Hàng đêm, khi trời mát, anh dẫn nó ra sân cỏ gần nhà chạy để cơ thể săn chắc, linh hoạt. Chế độ ăn của Sói những ngày này không chỉ có thịt như thông thường, mà được bổ sung thêm thịt bò, phô mai, trứng gà và các thực phẩm chức năng như viên canxi, khoáng chất... giúp nó có thể chất cường tráng và bộ lông xù đẹp bóng bẩy.
"Để Sói quen với không khí của cuộc thi và luyện thần kinh, tôi hay dẫn nó ra chỗ đông người. Tiếng còi xe inh tai, nó cũng không bị phân tâm, vẫn chạy theo bước chân chủ", anh Việt chia sẻ. "Hôm hội thi, Sói phải trải qua 5 vòng, chạy từ chậm đến nhanh để kiểm tra thần kinh và sự khéo léo, phối hợp với chủ. Mặc cho xung quanh reo hò, Sói vẫn hợp tác với tôi từ đầu tới cuối".
Hai yếu tố chính quyết định chiến thắng của Sói là ngoại hình cơ thể và tính cách. Ngoại hình của Sói gần như sát với bảng tiêu chuẩn điểm tuyệt đối của ban tổ chức và được người chơi đánh giá cao như chiều cao 58 cm, nặng 28 kg, khung gọng chuẩn, đôi mắt hình quả hạnh, tai cụp, đáp ứng tiêu chuẩn nhân giống... Trong suốt cuộc thi, Sói luôn tập trung và phối hợp ăn ý với chủ, với lợi thế nổi bật về chiều cao, bộ lông xù trắng đẹp, bước chuyển động nhịp nhàng, dáng đứng khoẻ khoắn.
Đặc trưng rõ nhất của giống chó này là bộ lông hai lớp rất dày để thích ứng với điều kiện sống của vùng cao Bắc Hà và Simacai (Lào Cai). Sói có bộ lông trắng muốt, dài hơn ở phần đầu, trông như bờm sư tử. Đây là một đặc điểm quý, không phải chú chó Bắc Hà nào cũng có.
"Một chú chó muốn thắng giải ở Dog Show phải hội tụ các đặc điểm sát với bảng tiêu chuẩn giống chó đó, đồng thời phải thể hiện được vẻ đẹp ngoại hình với vận động đúng đẹp cũng như phối hợp ăn ý với người điều khiển", chị Lê Hà, Phó Ban phát triển chó bản địa Việt Nam (VKA) chia sẻ.
"Chó H'Mông cộc, Phú Quốc khá hiếu động. Chó Bắc Hà càng trưởng thành càng đẹp, trầm tĩnh, thân thiện nhưng khi về đêm cảnh giác rất cao, là dòng chó trông nhà tốt", anh Việt nói.
Anh Đỗ Công, 60 tuổi, Hoàn Kiếm cho biết, anh đã nuôi rất nhiều loại chó tây và ta, từ becgie, rottweiler, Phú Quốc, Mông cộc... nhưng vẫn thích nhất chó Bắc Hà. "Giống này rất điềm tĩnh, thần kinh ổn định và rất gắn bó với chủ. Có hôm tôi bận việc cả ngày quên không cho đi vệ sinh, nó rít ầm lên chứ không đi trong nhà", anh chia sẻ.
Từ hai năm trước anh Công đã đi nhiều bản vùng cao săn tìm nhưng nuôi 6 chó chó xù - chó Bắc Hà lai, hoặc các dòng xù vùng cao - mà vẫn không mua được một chú Bắc Hà chuẩn. "Tôi từng bỏ ra 15- 20 triệu mua một chó con, về nuôi mới biết không phải con thuần chủng", người đàn ông nói. Tuy nhận biết rõ sự khác biệt của những con chó lai và con chó bản địa nhưng anh không có cơ hội để tiếp cận và mua được.
Chó Bắc Hà được xem là một trong "tứ đại quốc khuyển" của Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất được mệnh danh là "cao nguyên trắng" đã lưu truyền câu chuyện một đàn sói lửa sống trên núi cao, hay bắt gia súc của người dân. Một mùa đông, đàn sói lửa cắn chết những con chó đực trong bản để giành quyền giao phối với chó cái, từ đó sinh ra đàn chó con có ngoại hình như sói lửa. Dân bản truyền tai nhau chó Bắc Hà bắt nguồn từ đó.
Là bạn của người Mông hàng trăm năm qua, song không như chó Phú Quốc và Mông cộc có tiêu chuẩn giống từ chục năm trước, cho Bắc Hà mới có bản tiêu chuẩn chính thức ngày 24/10/2020. Những chú chó được các chuyên gia công nhận sẽ được gắn một chip dưới da, với đầy đủ thông tin về gia phả, đặc điểm cơ thể. "Hành động này nâng tầm giống chó Bắc Hà, từ đó góp phần bảo vệ được nguồn gene chuẩn", ông Nguyễn Minh Khang, Trưởng Ban Phát triển chó bản địa của VKA chia sẻ. Hiện nay, VKA đã công nhận được 3 giống chó Việt thuần chủng để ghi danh chúng vào Tổ chức Giống chó thế giới.
Tuy nhiên không chờ đến khi được công nhận giống, những người đam mê dòng chó này đã có ý thức bảo vệ từ rất sớm. Anh Hoàng Quốc Việt, chủ của Sói là một trong những người tiên phong xây dựng phong trào nuôi chó Bắc Hà tại Hà Nội.
Tình yêu của anh Việt với giống chó vùng "cao nguyên trắng" được vun đắp từ thời thơ ấu. Ngày nhỏ nhà anh ở thành phố Yên Bái, ông bà nội ở Lào Cai. Trong nhà không lúc nào vắng một chú chó Bắc Hà, khi thì màu vàng lửa, lúc màu tứ mục, màu đen, trắng. Sau thời gian học đại học, năm 2013, anh trở về quê nhà chọn lọc được những cá thể ưng ý nhất để chơi. Qua năm tháng, anh gây được vài cặp.
Cơ duyên của anh Việt với Sói rất tình cờ. Năm 2018, sau chuyến công tác dài ngày trở về, anh thấy trên hội rao bán Sói. "Lúc đó tôi tự hỏi, sao một chú chó đẹp như thế mà đăng vài ngày rồi không có ai mua?", anh kể. Có lẽ tại thời điểm đó, người chơi đang chuộng màu lửa nên đã bỏ qua Sói. Anh Việt lập tức liên hệ người bán đón nó về nhà mình. Kể từ lúc đó, Sói gắn với anh như hình với bóng.
Là một họa sĩ, mỗi lúc dừng vẽ anh dành nhiều thời gian chăm sóc và vui chơi với Sói. Nó và anh như hai người bạn, đi đâu cũng có nhau. Anh còn đưa Sói đi nhiều nơi trong những chuyến du lịch, công tác xa. Không như một số con chó khác, Sói nghe lời, thân thiện ở chốn đông người. Nhờ thần kinh tốt, nó không bị say xe. "Chó nhát quá hay dữ quá cũng loại. Tìm được một chú vừa đẹp và thần kinh tốt như Sói rất khó", anh Việt chia sẻ.
Hàng tuần, anh Việt phải đi lại giữa nhà ở Hà Nội và khu nghỉ dưỡng của gia đình trên đỉnh đèo Đá Trắng (Hòa Bình). Bao giờ thấy chủ đi là Sói cũng nhảy lên xe theo cùng. Suốt quãng đường gần 200 km, nó ngồi im re. Trên con đèo, bộ lông trắng muốt của Sói hòa với màu trắng của những quả núi và mây mù, chẳng khác gì như đang đứng giữa xứ Bắc Âu xa xôi lạnh giá.
"Ai nhìn Sói cũng nghĩ nó là chó Tây. Tới khi nói là chó bản địa của đồng bào Mông, rất nhiều người trầm trồ 'không ngờ nước ta lại có giống chó đẹp tới thế'", anh Việt tự hào nói.
Phan Dương