Thời đi học lâm sàng, chúng tôi ai cũng có một cuốn sổ nhỏ đút vừa túi áo blouse để ghi chép kinh nghiệm của các thầy, các anh khoá trước trên từng bệnh nhân cụ thể, và đương nhiên ít có trong sách vở. Học lâm sàng tức học tại giường bệnh, là quá trình học suốt đời của người thầy thuốc. Nó thể hiện rõ nhất truyền thống cao quý của ngành Y, thế hệ trước đào tạo, dìu dắt thế hệ sau, cùng học hỏi lẫn nhau để cứu chữa người bệnh. Chính vì lý tưởng chung này mà sự tin cậy, thân mật, gần gũi giữa thầy và trò phát triển, có thể nói là tình bạn, tình anh em. Bản thân mỗi thầy thuốc cũng không ngừng tự học, tự đào tạo mình, tự là thầy của chính mình. Nghề Y là nghề chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là nghề dạy học, vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo.
Không hiểu từ bao giờ, quan niệm "chữ bác sĩ" xấu và khó đọc được coi như một sự thật hiển nhiên, dù chắc chắn không phải bác sĩ nào cũng viết chữ khó đọc. Nếu tôi phải đưa ra một lý do để giải thích cho điều này, hữu lý nhất là do yêu cầu phải ghi chép nhanh và nhiều trong thời gian giới hạn từ khi học ở trường Y cho đến sau này, cường độ công việc luôn đòi hỏi sự khẩn trương ở bệnh viện. Tôi nhớ, rất nhiều kỳ thi chúng tôi phải viết bốn đến tám trang giấy trong thời gian chỉ một tiếng rưỡi. Hay khi hành nghề, mỗi buổi, một bác sĩ phải khám cho cả trăm bệnh nhân nên viết và làm gì cũng phải nhanh nhanh vội vội.
Là đồng nghiệp trong lĩnh vực hẹp, dù ai viết xấu cỡ nào chúng tôi đều có thể suy luận được vì chung kiến thức và tư duy, trừ một tỷ lệ nhỏ vẫn không thể đọc và hiểu nổi. Song chữ viết không chỉ là phương thức liên lạc giữa các bác sĩ mà còn với điều dưỡng, dược sĩ, các nhân viên y tế và bác sĩ chuyên khoa khác, đặc biệt với bệnh nhân và người nhà. Do vậy, sự cẩu thả thực ra có thể dẫn đến sai sót Y khoa. Chẳng hạn như thuốc Pertuzumab dùng điều trị ung thư vú có tên na ná với thuốc Pembrolizumab là thuốc miễn dịch, điều trị nhiều ung thư khác nhau. Có dược sĩ từng nhầm hai thuốc này khi đọc đơn viết ngoáy, nhưng nhờ chúng có hàm lượng khác nhau (420 mg và 100 mg) nên đã kịp thời gọi điện kiểm tra lại với bác sĩ.
Chính vì vậy, hồi còn làm chuyên môn, tôi không chấp nhận các bác sĩ thuộc đơn vị mình viết ẩu hay sơ sài trong công tác kê đơn, ghi nhận hồ sơ bệnh án. Tôi luôn nói rằng viết khó đọc hay dễ đọc là sự lựa chọn của các bạn, không phải do hoàn cảnh. Có thể anh viết xấu nhưng phải rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác và trung thực, đây là vấn đề trách nhiệm với sự an toàn của người bệnh. Chỉ cần sai một vài mẫu tự có thể dẫn đến nhầm lẫn về tên thuốc, liều lượng, đường dùng, gây hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân. Nhiều năm sau, chúng tôi gặp lại nhau, các bạn bác sĩ trẻ năm xưa vẫn nhắc, "chúng em ghi nhớ hàng ngày và chưa bao giờ phải ‘hối hận’ vì chữ viết".
Tôi hy vọng hệ thống công nghệ thông tin của ngành Y ngày một hoàn thiện sẽ khiến "truyền thuyết" mang tên "viết xấu như chữ bác sĩ" chỉ còn là quá khứ. Ngày nay, hầu hết kiến thức Y khoa đã được số hoá. Người học tra cứu thông tin nhanh, thuận tiện và đỡ mất thời gian, cũng không phải ghi chép nhiều như trước. Công nghệ thông tin ngày càng ứng dụng sâu rộng trong các bệnh viện giúp đảm bảo sự chính xác và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh án điện tử chưa thể hoàn toàn thay thế bệnh án giấy. Chữ viết bác sĩ vì thế vẫn là một trong những vấn đề liên quan đến sai sót Y khoa mà các nhà quản lý Y tế không thể không quan tâm, đặc biệt ở công tác hậu kiểm, bình duyệt bệnh án, đơn thuốc. Ghi nhận đầy đủ, rõ ràng diễn biến bệnh tật và xử trí trong hồ sơ bệnh án cũng là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành.
Chữ viết bác sĩ nếu thực sự có xấu hơn các ngành nghề khác là do yếu tố hoàn cảnh học tập và công việc, chứ không phải những người chọn nghề Y có tố chất "chữ như gà bới" hay "có tính truyền nhiễm" từ thế hệ trước.
Chúng tôi mới tới thăm cô chủ nhiệm hồi cấp hai. "Cô còn nhớ giọng văn của con không?", tôi hỏi, "chỉ nhớ chữ con xấu như chữ bác sỹ bây giờ", cô giáo tôi đùa. Nhưng đã mấy chục năm khoác tấm áo blouse trắng, tôi có thể nói rằng, không bác sĩ nào cố tình viết chữ xấu, bởi trong nghĩa vụ của ngành Y, như Giáo sư Hồ Đắc Di nói, "chỗ dành cho trái tim cũng quan trọng không kém chỗ dành cho bộ óc".
Trần Văn Thuấn