Ngày 12/12, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định cho biết, vừa gửi văn bản về tổng hợp thiệt hại của 19 chủ tàu vỏ thép cho Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Đây là hai đơn vị đóng tàu vỏ thép cho ngư dân nhưng bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại được các ngư dân báo cáo là 45,6 tỷ đồng, gồm các khoản: chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; tổn phí, thuê lao động do khai thác không hiệu quả; thủy sản bị hư hỏng; tiền thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng khi đánh bắt; tiền thiết kế tàu; lợi nhuận bị tổn thất do tàu nằm bờ; nợ gốc và lãi ngân hàng.
Trong đó, 14 chủ tàu đóng tại Công ty Nam Triệu yêu cầu bồi thường hơn 36,5 tỷ đồng, 5 chủ tàu đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương yêu cầu đền bù hơn 9 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp Bình Định đề nghị hai công ty đóng tàu xem xét, có ý kiến về giải quyết yêu cầu đền bù, hỗ trợ thiệt hại của 19 chủ tàu, thông báo cho sở biết trước ngày 15/12 để phối hợp giải quyết và báo cáo tỉnh, Bộ Nông nghiệp xem xét, chỉ đạo.
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hai công ty đóng đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho ngư dân. "Tuy nhiên đơn giá, hạng mục bồi thường như thế nào thì họ đang xem xét, trao đổi lại. Tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp để giải quyết vấn đề này", ông Châu nói.
Các tàu vỏ thép bị hư hỏng được ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, do sử dụng thép không đạt chuẩn, nhiều máy móc không đạt chất lượng nên tàu vừa hạ thủy đã nằm bờ nhiều tháng qua khiến ngư dân khốn đốn, không thể trang trải cuộc sống.
Hồi cuối tháng 6, trong cuộc họp với cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và ngư dân, hai đơn vị đóng tàu đã cam kết sửa chữa. Sở Nông nghiệp Bình Định cũng đã yêu cầu ngư dân thống kê thiệt hại để làm cơ sở cho việc bồi thường.
Đến cuối tháng 11, các ngư dân đã tổng hợp thiệt hại với tổng số tiền gần 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu cho rằng thống kê chưa đầy đủ, nhiều tổn thất không được địa phương đưa vào báo cáo thiệt hại nên tiếp tục bổ sung.