Chiều 30/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định họp với 17 ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng và đại diện Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, để bàn giải pháp khắc phục tàu vỏ thép hư hỏng.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương - phân trần lý do vắng mặt trong các cuộc họp trước đây do đau ốm. Ông đồng ý với kết luận của Tổ thẩm định về việc 5 trong số 17 tàu vỏ thép do công ty đóng không đúng chất lượng.
Làm việc với ngư dân, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương đồng ý thay những vị trí lắp thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc. Với những vị trí lắp thép Trung Quốc nhưng đạt cấp A, công ty giữ nguyên nhưng phải thanh toán tiền chênh lệch từ thép Hàn Quốc thành thép Trung Quốc lại cho ngư dân.
Công ty này cũng cam kết làm sạch bề mặt và sơn lại vỏ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng, sửa chữa hầm bảo quản đang bị gỉ sét, đọng nước.
Trong cuộc thảo luận, các ngư dân tiếp tục tố một thiết bị trong hầm bảo quản là máy Trung Quốc, trong khi hợp đồng là máy của Đức. Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Bình Định - cho biết sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì công ty phải trả lại tiền chênh lệch cho ngư dân.
Do trong quá trình đánh bắt, lưới bị cuốn chân vịt, nên 4 tàu cá đã chuyển từ nghề lưới vây sang lưới chụp. Do vậy, công ty phải chịu chi phí cho việc cải hoán thiết kế để phù hợp với đánh bắt. Công ty cam kết sửa chữa trước 20/8.
Phía Công ty Nam Triệu đồng ý thay mới 11 máy chính Mitsubishi chính hãng cho ngư dân. Riêng máy chính Doosan lắp trên tàu ông Trần Đình Sơn, đại tá Đặng Ngọc Oanh - Tổng giám đốc Công ty cho biết sẽ làm việc lại với Doosan.
Công ty và các ngư dân cũng thống nhất sơn mới và thay máy lại tất cả tàu. Đơn vị cũng phun xốp xung quanh hầm, lót gỗ và phun xốp ở đáy hầm để khắc phục tình trạng tàu bị đọng nước, gỉ sét. Việc này chia làm hai đợt trong tháng 7 và tháng 8.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định - đề nghị đăng kiểm viên có mặt trong thời gian sửa chữa của hai công ty này và phải có văn bản xác nhận tàu đủ điều kiện ra khơi. "Nếu không có đăng kiểm viên thì Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Bộ Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm", ông Hổ nói.
Ông Hổ cũng đề nghị đơn vị đăng kiểm trả lại phí cho ngư dân do không làm tròn trách nhiệm. Còn thiệt hại trong quá trình nằm bờ, các ngư dân được yêu cầu thống kê, báo về địa phương để làm cơ sở cho việc bồi thường.
"Sở Nông nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa tàu vỏ thép của doanh nghiệp", Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định nói.
Nhiều tháng qua, hàng chục tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Bình Định bị hư hỏng nằm bờ. Không thể ra khơi, nhiều ngư dân không có tiền trang trải, trong khi hàng tháng phải trả nợ ngân hàng.
Đầu tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép. Kết quả công bố hôm 22/6 cho thấy các máy tàu được làm giả tinh vi; nhiều thiết bị hàng hải, hệ thống đèn không đạt chất lượng, không đúng với hợp đồng doanh nghiệp ký với ngư dân.
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự với những doanh nghiệp có hành vi gian lận trong việc thực hiện hợp đồng đóng tàu với ngư dân.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần. Tại Bình Định có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu composite đóng theo Nghị định 67. Tuy nhiên có 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trước sự việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định này; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6. |
Thạch Thảo