Nhà tạo mốt người Pháp Christian Lacroix tròn 70 tuổi ngày 16/5. Ông gần như biến mất khỏi giới thời trang từ hơn 10 năm trước, chỉ lộ diện vài lần khi hợp tác cùng thương hiệu khác. Tuy nhiên, các chuyên gia thời trang của Harper's Bazaar, Elle hay Vogue vẫn nhắc tới ông với tư cách một nhà thiết kế couture đẳng cấp.
Kể từ lúc ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1987, tên tuổi của Lacroix đã gắn liền những bộ cánh đắt tiền mang phong cách Haute Couture Pháp. Tờ Guardian ghi lại cảnh tượng buổi trình diễn: "Các biên tập viên thời trang đứng lên ghế, khóc và tung hoa vào 'ông vua' thiết kế mới". Cùng năm, Hội đồng thời trang Mỹ trao ông giải thưởng "Nhà thiết kế nước ngoài có ảnh hưởng nhất".
Trang phục của ông cắt may cầu kỳ nhằm tạo phom dáng siêu thực, phá cách với chi tiết đính đá, ngọc, lông vũ, lông thú, thêu hoa, thêu nổi chỉ vàng, họa tiết vẽ tay trên nền các thước vải thổ cẩm, lụa, ren, voan, chiffon, nhung, dạ. Trong đó, những thiết kế váy phồng như quả bóng trở thành đặc trưng của Lacroix.
Từng học lịch sử nghệ thuật, nhà thiết kế đưa vào sáng tạo nhiều yếu tố cổ điển. Khi làm luận văn thạc sĩ tại Đại học Sorbonne, ông nghiên cứu trang phục Pháp trên các bức tranh thế kỷ 17, 18. Sau này, nhiều chi tiết vương giả, truyền thống xuất hiện trong các bộ sưu tập của Lacroix - váy kiểu poncho, áo khoác bó chẽn bolero của đấu sĩ bò tót, hoa văn gợi kiến trúc tôn giáo Trung cổ, họa tiết thêu mang hơi hướng tranh tường thế kỷ 18, mũ đính đá, lông vũ...
Nhà thiết kế Pháp làm mới trang phục cổ điển bằng bảng màu rực rỡ. Ông ưa các gam màu vàng, đỏ, cam, hồng cánh sen, xanh nõn chuỗi. Nhiều lần, nhà thiết kế kết hợp xanh nõn chuối, tím đậm và cam, xanh cổ vịt và vàng tươi hay xanh dương pha tím hoa cà với vàng nghệ, tạo tổng thể màu sắc bùng nổ.
Suốt thập niên 1980, 1990, danh tiếng Christian Lacroix lên tới đỉnh cao. Ông có tầm ảnh hưởng lớn đến giới thượng lưu khắp thế giới. Nhiều người nổi tiếng là khách hàng thân thiết của ông như Công nương Diana, minh tinh Nicole Kidman, Helen Mirren, Lady Gaga. Ông thiết kế trang phục cho tour diễn Re-Invention (2004) của Madonna hay nhân vật Edina Monsoon (Jennifer Saunders thủ vai) trong series truyền hình Absolutely Fabulous (Tột cùng sang chảnh). Tờ Vogue gọi ông là "nhà thiết kế được nhắc tên nhiều nhất ở Paris".
Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ hoàng kim, thương hiệu của Christian Lacroix cũng không thể tạo ra lợi nhuận. Tờ Guardian ước tính suốt 22 năm tồn tại, nhà mốt này lỗ 150 triệu euro (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng). Lacroix khó dung hòa giữa tầm nhìn nghệ thuật và lợi nhuận tài chính. Ông ưa làm những trang phục với quy trình sản xuất tốn kém, vật liệu đắt đỏ nhưng khó mặc và kén người.
Tập đoàn LVMH - công ty chủ quản cũ của Lacroix - từng tận dụng danh tiếng của thương hiệu để tung ra dòng quần áo giá rẻ. Các mẫu T-shirt, quần tây, jeans thất bại khi tung ra thị trường. Suốt thời gian hoạt động, hãng này thay tới 11 giám đốc kinh doanh nhưng không thể dung hòa tham vọng của giám đốc sáng tạo trong mô hình kinh doanh có lãi.
Năm 2005, LVMH bán thương hiệu cho Falic Group. Tuy nhiên, công ty chủ quản mới cũng không thể giúp sáng tạo của Lacroix sinh lợi. Tính trong năm 2008, nhà mốt lỗ 10 triệu euro (xấp xỉ 280 tỷ đồng). Từ những tháng đầu năm 2009, sự sụp đổ của một đế chế Haute Couture được báo trước khi Christian Lacroix bị công nợ bủa vây, có nguy cơ phá sản cao nếu không tìm được đối tác chuyển nhượng mới. Lúc này, kinh tế thế giới đang đối mặt với cuộc đại suy thoái toàn cầu. Thương hiệu của Lacroix buộc phải cắt giảm 90% nhân viên, chỉ giữ lại 15-20 người.
Show Haute Couture Thu Đông cuối cùng của Christian Lacroix diễn ra tại bảo tàng Musee des Arts Decoratifs tháng 7/2009. Do hạn chế tài chính, thiếu vải vóc, nhân viên, chỉ có 24 mẫu váy được làm ra. Để đảm bảo chất lượng cho bộ sưu tập, ông tự chi trả một số khoản. Nhiều bạn bè trong giới giúp đỡ ông. Các chuyên viên trang điểm, mẫu nữ, quản lý bảo tàng, nhân viên lâu năm, đồng ý làm việc hoặc cung cấp các dịch vụ, phụ kiện miễn phí. Quán café yêu thích của nhà tạo mốt đồng ý phục vụ bữa buffet nhẹ miễn phí cho các nhân viên ở hậu trường.
200 bạn bè, biên tập viên thời trang kỳ cựu và khách mua trung thành tới chật kín khán phòng. Cuối show, khi Vlada Roslyakova bước ra trong bộ váy trắng ngà cầu kỳ, lấy cảm hứng Đức mẹ, mọi người đồng loạt đứng dậy, vỗ tay không ngừng. Bên dưới, một biểu ngữ "Christian Lacroix forever!" (Christian Lacroix bất tử!) được quý bà Pháp Pia de Brantes - khách hàng lâu năm của nhà thiết kế - giương cao.
Đến tháng 12/2009, tòa án thương mại Pháp phán quyết chấm dứt hoạt động sản xuất Haute Couture và thời trang may sẵn của hãng, chỉ duy trì các dòng trang sức, phụ kiện và nước hoa. Năm 2010, Lacroix cắt đứt mọi liên hệ với thương hiệu, rút khỏi ngành thời trang.
Với tài năng nghệ thuật, Christian Lacroix vẫn tiếp tục phát triển ở nhiều lĩnh vực khác. Ông hợp tác cùng các công ty thiết kế thảm và nhà hát opera. Những tấm thảm được Lacroix lên ý tưởng mang phong cách thiết kế đặc trưng của ông - đa sắc, cổ điển và sang trọng. Ông cũng thiết kế trang phục cho nhiều buổi nhạc kịch, gây được tiếng vang lớn. Ngoài ra, ông thử sức với vai trò giám đốc nghệ thuật cho các triển lãm phục trang tại bảo tàng.
Năm 2019, sau một thập kỷ không xuất hiện tại các tuần lễ thời trang, ông hợp tác nhà tạo mốt Dries Van Noten trong bộ sưu tập Xuân Hè 2020. Dù giới thời trang không thôi tiếc nuối nhà thiết kế thời trang cao cấp một thời, ông nói với Guardian: "Tôi không hoài niệm quá khứ".
Bảo Thư