Hôm 17/3 - ngày sinh của Alexander McQueen, nhiều tạp chí tưởng nhớ nhà thiết kế bằng loạt ảnh ghi dấu sự nghiệp. Hơn 40 năm cuộc đời và 20 năm sự nghiệp, McQueen là huyền thoại sáng tạo và có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử thời trang đương đại. Cây bút David Rooney của Hollywood Reporter nhận xét anh là "thiên tài ngông cuồng luôn thường trực trong mình nỗi buồn đau".
Nghệ thuật của McQueen kết hợp giữa những sắc thái cực đoan, đối lập. Sống và chết, ma quái và thánh thiện thường bị đẩy lên cực điểm trong các sáng tạo của anh. Ở thời đỉnh cao, giới mộ điệu không ngừng xôn xao trước mỗi mùa mốt của Alexander McQueen. Họ kinh ngạc, thán phục và tranh cãi bởi nhiều sáng tạo khác thường. Sàn diễn đầy ắp gương mặt trang điểm kỳ quái, thế giới băng giá lạnh lẽo trong phim kinh dị The Shining (1980), hay trang phục lấy cảm hứng từ loài chim, bướm, hươu, hoặc thiết kế phô ngực trần.
Bộ sưu tập đầu tay năm 1992 - Jack the Ripper Stalks His Victims (Jack đồ tể săn con mồi) lấy cảm hứng từ vụ thảm sát phụ nữ và gái mại dâm ở London những năm 1880. McQueen tự cắt tóc rồi đính tóc mình dưới mác các bộ trang phục như gợi nhắc hình ảnh những cô gái điếm thời Victoria bán tóc lấy tiền. Lần khác, anh làm bộ sưu tập Dante lấy cảm hứng từ câu chuyện khám phá luyện ngục, hỏa ngục và thiên đường của đại thi hào Italy trong Thần khúc (1472). Trong show Voss (2001), nhà thiết kế mời nhà văn Michelle Olley khỏa thân nằm trong lồng kính ở giữa sàn diễn. Những chủ đề tôn giáo, lịch sử, phim ảnh, kịch nghệ, thế giới tương lai thường trở thành cảm hứng cho váy áo, cách trang điểm người mẫu hay phong cách dựng đường băng của McQueen.
McQueen phá cách trong thiết kế. Ở mùa mốt năm 1996, anh giới thiệu quần cạp trễ với đường cắt eo thấp, lộ khe mông và phần mà anh cho thú vị nhất trên cơ thể người - xương cụt. Ở bộ sưu tập Plato’s Atlantis, anh giới thiệu mẫu cao gót armadillo - mang cảm hứng vị lai, phom dáng giống càng cua với bề mặt giống lớp da của con tatu chín đai. Ca sĩ lập dị Lady Gaga vô cùng yêu thích bộ sưu tập này và lăng xê chúng trong MV Bad Romance (2008).
McQueen nổi loạn trong tính cách, diện mạo. Thời chưa nổi tiếng, khi tới trụ sở Vogue, với ngoại hình và cách ăn nói thô lỗ, McQueen bị các biên tập viên ngăn lại bởi sợ ăn cắp túi của họ. Khi sự nghiệp thăng hoa, anh bị hành hạ triền miên bởi chứng nghiện ma túy, trầm cảm nặng, ám ảnh về cái chết, bạo lực. Một người bạn của anh nói với Indiewire: "Càng nhiều tiền, cậu ấy càng không hạnh phúc".
Lee Alexander McQueen sinh năm 1969 tại East End, nơi được coi là khu vực khắc nghiệt nhất London với đói nghèo, bệnh tật thường xuyên bủa vây. Cậu bé Lee là con út trong gia đình lao động với bố là lái xe taxi, mẹ là giáo viên dạy Hóa. Từ nhỏ, anh thường giết thời gian bằng vẽ, ngắm chim chóc - loài vật đã trở thành cảm hứng bất tận trong các bộ sưu tập sau này.
Nhà thiết kế người Anh sớm phát hiện ra giới tính thật và thiên hướng nghệ thuật của bản thân. Gia đình dần chấp nhận, ủng hộ sự khác lạ của con trai. McQueen hay giúp đỡ các chị gái chọn quần áo, phối đồ. "Thông qua váy áo, tôi luôn muốn họ (những người chị) cảm thấy mạnh mẽ và được che chở", nhà thiết kế từng nói với Guardian.
Năm 16 tuổi, nhận được sự ủng hộ của mẹ - nàng thơ đầu đời và là người tạo cảm hứng lớn nhất cho sự nghiệp của McQueen, chàng trai bỏ học, xin việc tại khu phố may vá nổi tiếng London Savile Row. Anh đã gõ cửa nhiều cửa hiệu trước khi được nhận vào làm ở tiệm may hoàng gia Anderson & Sheppard. Giữa những ngày dài may vá, anh đã khâu vào lớp lót áo vest của Thái tử Charles dòng chữ "McQueen was here" (McQueen đã ở đây) cùng nhiều dòng tục tĩu, khiến tiệm may thu hồi hàng loạt trang phục để kiểm tra.
Năm 1992, McQueen thành lập thương hiệu mang tên mình. Tên tuổi nhà tạo mốt gây nhiều tranh cãi nhưng cũng tạo tiếng vang lớn bởi ý tưởng táo bạo, phom dáng cầu kỳ, cắt may chỉn chu, hoàn hảo. Nhiều người gọi anh là thiên tài, những người khác lại gọi là "đứa trẻ nổi loạn" hay "kẻ du côn của thời trang Anh". Năm 1996, nhà thiết kế được mời làm giám đốc sáng tạo cho Givenchy, thay thế John Galliano. Nhưng sự nổi loạn khó ăn nhập với phong cách thanh lịch của thương hiệu Pháp. Năm 2001, anh rời đi bởi cảm thấy bị kìm hãm khả năng sáng tạo, đồng thời tập trung vào thương hiệu riêng.
Ngày 11/2/2010, sau chín ngày mẹ mất, Alexander McQueen treo cổ tự tử tại nhà riêng ở tuổi 40. Theo bác sĩ tâm lý, nguyên nhân dẫn tới hành động phần lớn vì trầm cảm do áp lực công việc. Bộ sưu tập Xuân Hè 2010 là lần cuối anh xuất hiện trên đường băng. Hơn một tháng sau, bộ sưu tập Thu Đông 2010 còn đang dang dở được giới thiệu tại Paris, chỉ 16 thiết kế. "Sự sáng tạo là thứ mỏng manh, và Lee cũng vậy", nhà thiết kế Philip Treacy nói trên Guardian.
Sau năm 2010, nhà mốt được cộng sự Sarah Burton của McQueen tiếp quản. Cô từng thiết kế bộ váy ren cho công nương Kate Middleton trong đám cưới với hoàng tử William. Hiện Sarah chú trọng vào tính ứng dụng cao của trang phục hơn người sáng lập.
Bảo Thư