Nghệ sĩ trở thành tâm điểm sau sự cố tại lễ trao giải Oscar hôm 27/3. Trong lúc công bố giải phim tài liệu, diễn viên chọc cười về mái đầu trọc của Jada, khiến chồng cô, Will Smith, lên sân khấu tát vào mặt anh. Sau sự việc hy hữu, lượng người xem Oscar tăng gần gấp đôi. Các cụm từ liên quan đến sự việc, trong đó có thông tin về Chris Rock, lên top thịnh hành mạng xã hội.
Ở tuổi 57, Chris Rock là danh hài nổi tiếng ở Mỹ, có sự nghiệp trải dài lĩnh vực phim ảnh, sân khấu và truyền hình. Anh là tấm gương nỗ lực vượt khó với xuất phát điểm thấp. Chris sinh năm 1965 trong gia đình lao động người Mỹ gốc Phi ở Brooklyn, có bố làm nghề giao báo, tài xế xe tải, còn mẹ là giáo viên trong trường học dành cho người chậm phát triển trí tuệ.
Trong tự truyện Rock This cũng như nhiều bài phỏng vấn từ thời mới vào nghề, nghệ sĩ nói nhiều trải nghiệm khi là nạn nhân bị phân biệt chủng tộc. Vì lo sợ con vướng vào bạo lực, tệ nạn với nhóm thanh thiếu niên da màu, bố mẹ sắp xếp cho anh đến trường học của người da trắng ở Bensonhurst. "Cha mẹ cho rằng tôi sẽ được giáo dục đầy đủ ở một khu phố tốt hơn. Điều tôi thực sự nhận được là một nền giáo dục tồi tệ. Và rất nhiều trận đòn roi", diễn viên viết. Chris Rock đã đến trung học James Madison trên một chiếc xe buýt riêng dành riêng cho học sinh da màu. Ngày đầu tiên đến lớp, bạn bè chào mừng Chris bằng cách ném bóng, nước bẩn vào người. Anh thường xuyên bị bạn học đánh hội đồng. Chris Rock sau đó bỏ học sớm, làm việc ở các cửa hàng thức ăn nhanh.
Là con cả trong gia đình có bảy anh chị em, Chris Rock được bố mẹ kỳ vọng thành đạt, trở thành tấm gương của các em. Anh không có ai tâm sự những ký ức tồi tệ bởi "chúng chẳng là gì so với những gì bố mẹ tôi đã trải qua". Nghệ sĩ nói: "Tôi nghĩ mình đã vượt qua, nhưng thực tế tôi chưa bao giờ giải quyết được chúng. Những nỗi đau và sự sợ hãi chân thực ấy, tôi phải đối diện chúng hàng ngày".
Bước ngoặt đến với Chris năm 19 tuổi, khi danh hài Dick Gregory phát hiện tiềm năng của anh, giao cho vai diễn trong Beverly Hills Cop 2. Anh nhanh chóng nổi tiếng khi dẫn dắt series Saturday Night Live cuối thập niên 1990, đóng vai chính trong nhiều tác phẩm như Down to Earth (2001), Head of State (2003), The Longest Yard (2005), series phim Madagascar (2005-2012), Grown Ups (2010)... Chris Rock là "con cưng" của giới phê bình. Tờ The Guardian đánh giá đoạn hài độc thoại dài 12 phút của anh trong chương trình Bring the Pain là một trong những tiểu phẩm hay nhất lịch sử. Anh giành bốn giải Emmy, ba giải Grammy, đứng thứ chín trong cuộc bình chọn "100 diễn viên hài độc thoại nổi tiếng ở Anh" năm 2007.
Trải nghiệm cuộc sống ảnh hưởng đến nhiều sáng tạo nghệ thuật của Chris Rock. Cuối thập niên 1990, anh nỗ lực phát triển câu lạc bộ, tạp chí về hài kịch ở Đại học Howard - trường chuyên dành cho người da màu, với mong muốn tạo môi trường miễn phí cho những tài năng trẻ. Anh thực hiện series lấy cảm hứng từ cuộc đời mình: Everybody Hates Chris, phản ánh quá trình trưởng thành của một thiếu niên da màu và cuộc sinh tồn của gia đình họ trong xã hội Mỹ. Trong phim Top Five do anh viết kịch bản đạo diễn, nhân vật đặc vụ da màu do Kevin Hart đóng luôn bị đồng đội cô lập.
Năm 2014, anh viết một bài luận dài trên Hollywood Reporter, lên án vấn nạn phân biệt chủng tộc trong ngành công nghiệp giải trí. Các bác sĩ từng chẩn đoán anh mắc chứng tự kỷ nhẹ, ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội, nhất là ngôn ngữ. Việc bước lên sân khấu giúp Chris Rock chữa lành vết thương. Anh nói: "Bản ngã đưa bạn ra sân khấu, nhưng sự tự ti mới là thứ khiến bạn lao vào tập luyện, bởi bạn không hoàn toàn tin vào bản thân".
Dù có nhiều đóng góp nghệ thuật, Chris Rock nhiều lần bị chỉ trích vì vạ miệng, phát ngôn thiếu chuẩn mực. Theo Daily Mail, anh thường chọc cười các chủ đề liên quan đến chính trị, gia đình, những người nổi tiếng, thậm chí giễu nhại chính bản thân trong các màn hài độc thoại. Trong hồi ký, anh đặt ra câu hỏi: "Tại sao công chúng lại mong đợi những nghệ sĩ giải trí cư xử tốt hơn những người khác? Thật nực cười".
Tại buổi hòa nhạc London Live Earth năm 2007, trước khi giới thiệu nhóm nhạc Red Hot Chili Peppers, diễn viên đã chửi thề với khán giả, sau đó nói rằng anh chỉ đang đùa. Đài BBC đã cắt phần nói năng của Chris, đồng thời xin lỗi người xem. Trong chuyến lưu diễn Kill the Messenger năm 2008, anh gọi George W. Bush là "tổng thống tồi tệ nhất từ trước đến nay".
Năm 2016, khi dẫn dắt Oscar, tài tử có phát ngôn gây tranh cãi. Trong bối cảnh tất cả đề cử năm đó đều là người da trắng, nhiều nghệ sĩ, trong đó có vợ chồng Will Smith đã phản đối sự kiện. Chris Rock nói trên sân khấu: "Jada Pinkett Smith tẩy chay giải Oscar giống như tôi tẩy chay quần lót của Rihanna". Cũng trong buổi lễ, Chris còn mang lên sân khấu ba đứa trẻ gốc Á và tấu hài với những định kiến liên quan việc người châu Á tính toán chi ly, có luật sử dụng lao động trẻ em lỏng lẻo, bị khán giả Trung Quốc phản đối.
Cùng năm đó, anh cũng bị Bobby Brown - chồng của cố danh ca Whitney Houston - chỉ trích vì bình phẩm cô nghiện ngập trên Twitter. Trước đó, Chris Rock và Whitney là bạn thân lâu năm.
Năm 2018, trong bộ phim Chris Rock: Tamborine, anh thừa nhận nghiện phim khiêu dâm, khiến gia đình tan vỡ, luôn đi trễ 15 phút ở mọi sự kiện. Năm 2019, sau vụ xả súng hàng loạt khiến chín người chết ở Dayton, Ohio, diễn viên đăng lên Twitter: "Hãy cá hung thủ là người da trắng".
Trong bài viết đăng tải ngày 29/3 trên The Guardian, cây bút Andrew Lawrence nhận định: "Chris Rock từng là định nghĩa của một thế hệ, nhưng các mánh lới của anh không còn phù hợp ở hiện tại... Thành công trong quá khứ đã khiến Rock trở nên lỗi thời". Theo Andrew, đó là lý do danh hài nhận một cú tát vào mặt.
Hà Thu (theo The Guardian, Hollywood Reporter)