Người miền Nam nói chung gọi là "thối tiền", trừ người miền Tây kêu "thồi tiền", nghe vừa ngồ ngộ, vừa gần gũi dễ thương.
Những lần về miền Tây làm việc với đối tác, mọi mua bán của tôi được giao dịch bằng tiền mặt. Trong chuyến công tác ở Bến Tre năm ngoái, bước vào quán nước vùng xuất khẩu dừa, tôi gọi nước dừa nhưng menu không có.
Tôi hỏi tại sao không bán món này. Người bạn hàng địa phương giải thích, dừa quá rẻ, không biết tính tiền sao nên ở đây họ không đưa vào menu của quán. Chủ quán cuối cùng cũng đem ra cho tôi trái dừa. Chị bảo, giá dừa tại vườn chỉ hai nghìn đồng một trái, có khi còn thấp hơn, nên tôi muốn "đưa nhiêu đưa".
Nếu rảo bước ở những khu chợ miền Tây, bạn sẽ thấy những chị, những dì với chiếc rổ nhỏ bày ít trái cây trước mặt. Chục qủa xoài, vú sữa, cam, vài nải chuối với giá hai, ba chục ngàn đồng. Gần về trưa, bạn trả mớ trái cây mười nghìn hay "đưa nhiêu đưa", họ cũng gật đầu nhanh rồi tất tả về "nấu cơm cho tụi nhỏ".
Họ là những nông dân cá thể, thu hoa lợi trên mảnh vườn của mình để kiếm thêm mấy đồng mắm muối. Ngoài bán cả vườn cho thương lái theo mùa, họ chẳng biết phân phối nông sản bằng cách nào ngoài đem ra chợ. Và không bao giờ biết hôm ấy mình sẽ có được bao nhiêu tiền.
Như một hệ quả tất yếu, thu nhập từ mảnh ruộng khu vườn cha ông để lại thấp hơn so với việc bán sức làm công nhân, người miền Tây "đi Bình Dương" - tạo nên dòng di cư nội địa lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây.
Nhiều năm làm trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi biết các nông sản của đồng bằng sông Cửu Long ít được coi là sản phẩm bền vững có giá trị cao khi các đối tác châu Âu, Mỹ cần nguồn hàng chất lượng. Nếu bán trong nước, nông sản miền Tây cũng chịu giá rẻ hơn hẳn các vùng miền khác vì thiếu quy trình canh tác bền vững. Hiện tượng di cư là kết quả tất yếu của nền nông sản giá thấp.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự để giúp người nghèo", Bộ trưởng Thông tin và truyền thông mới đây chia sẻ.
Ông cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 "rất phù hợp" với một nước thu nhập trung bình thấp và còn nhiều vấn đề cần lời giải đột phá. Ví dụ, mobile money có thể giúp bà con bán được quả cam, nải chuối với giá cao, vì người thành phố sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm sạch.
Nếu có money mobile, các chị các dì miền Tây không còn phải ngồi đến trưa ở chợ để chờ một vị khách đưa bao nhiêu thì đưa cho mớ trái cây, con cá. Người thành phố có thể "lên" siêu thị online lựa chọn, và chỉ nhấp chuột, nải chuối quả cam của các chị được ship đến tận nhà. Việc "thối" tiền cũng sẽ không còn. Tiền sẽ vào tài khoản các chị, rồi từ đó đến thẳng trường học của con.
Miền Tây ngày càng chịu thiệt hại bởi thay đổi tiêu cực của khí hậu. Tôi tin người miền Tây rồi sẽ tìm cách thích ứng như từ trước đến nay họ vẫn hồn nhiên thích ứng để luôn là kho lương thực lớn nhất cả nước. Vấn đề với họ hôm nay không phải trồng cây gì, nuôi con gì, mà là: nuôi trồng xong, rồi sao nữa?
Câu hỏi giảm nghèo cho vùng đất gắn liền với câu hỏi làm sao miền Tây bán được nông sản dễ hơn, giá tốt hơn. Nó có thể trả lời nếu được tích hợp giá trị của cuộc cách mạng "bốn chấm".
Hai tỷ USD chính phủ mới đây quyết định đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long là tin vui. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ đầu tư nhiều hơn cho nông thôn miền Tây thông qua các hành động nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất cho người dân, xây dựng chuỗi nông sản tích hợp tri thức để mở ra những con đường nông sản cả bằng đường bộ và "đường" Internet.
4.0 không chỉ là các kết nối và ứng dụng thông tin dữ liệu nông nghiệp mà còn là nâng cấp "phần mềm" - chính là những nông dân. Thay vì kêu gọi Đồng bằng sản xuất nữa đi, nhà nước gấp rút bổ sung tri thức kinh tế của "bốn chấm không" cho họ.
Tôi mong muốn các chị, các dì sẽ được nhà nước hỗ trợ tập huấn, đào tạo bài bản để trở thành nông dân chuyên nghiệp. Đồng Tháp đã mở những lớp huấn luyện như vậy. Bà con được đi học, được biết thế nào là an toàn vệ sinh thực phẩm, quy luật cung cầu, canh tác sạch và phát triển bền vững, tới đây có thể là cách bán hàng trên kênh thương mại điện tử.
Xây dựng cơ sở dữ liệu nông sản và mạng lưới bán hàng online cho miền Tây là việc đáng để đầu tư ngay lúc này. Tôi hình dung trong thời đại "bốn chấm" nay mai thôi, nông dân sẽ được "mời vô" sàn B2B (business to business) hay B2C (buniness to customer), ngồi quẹt điện thoại hay nhấp chuột coi giá nải chuối hôm nay bao nhiêu, hợp tác xã mình bán cho "thằng chả" ở Mỹ hay Đức. Họ có thể biết ngay ở đâu đang bán con gì, cây gì, giá nào, qua cổng thông tin nông sản được cơ quan chuyên trách liên tục cập nhật. Để rồi, các chị tự tin "chốt đơn" trên chính đồng ruộng của mình.
Đây không phải giấc mơ mà hoàn toàn có thể hiện thực. Đang có rất nhiều tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ thí điểm các mô hình tương tự tại Việt Nam trên nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế theo khái niệm Bắc - Nam, tức nước đã phát triển (Bắc) hỗ trợ cho các nước đang phát triển (Nam) để phát triển bền vững.
Những dự án này luôn có một cấu phần gọi là vận động chính sách hoặc chính sách hóa các mô hình. Tôi mong mỏi những người làm chính sách ngành nông nghiệp chủ động tiếp cận các mô hình trên để kết nối cho nông dân. Chúng ta có rất nhiều hiệp sĩ đường phố, liệu tôi quá mơ mộng không khi mong có những "hiệp sĩ chính sách" cho miền Tây?
Kiến thiết những con đường nông sản và "nâng cấp" nông dân là cách để nâng cấp cả một nền nông nghiệp. Khi đó, cách mạng bốn chấm thực sự sẽ giúp giảm nghèo.
Trần Ban Hùng