Tôi và chồng yêu nhau từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Ra trường, chúng tôi vào làm việc cho một khu công nghiệp gần nhà, sau một thời gian thì làm đám cưới.
Hạnh phúc nhân lên gấp bội khi tôi mang bầu lần đầu tiên. Cả gia đình hồ hởi vui mừng, săn đón tin tức từ cái thai trong bụng tôi. Đặc biệt giới tính của nó lại là chủ đề để mọi người bàn tán, trò chuyện. Gia đình chồng có hai anh em trai. Anh cả đã có gia đình và sinh được một cháu trai, thế nhưng gia đình chồng vẫn rất thích đứa cháu đầu tiên nào cũng là trai để đứa thứ hai đỡ phải tính toán.
Thai được 3 tháng, tôi đi siêu âm bác sĩ nói giới tính của cháu là nữ. Biết tin, chồng tôi buồn ra mặt, chẳng nói năng gì. Cả ngày anh cứ lầm lì, thỉnh thoảng còn cáu gắt, to tiếng với vợ nữa.
Tôi đã động viên chồng, vậy mà anh vẫn cứ buồn bã, nói: “Nếu lần sau sinh lại là con gái thì sao?”. Anh muốn đứa đầu phải là trai, còn con thứ hai thế nào cũng được. Chồng khuyên tôi nên bỏ đứa con đó đi, đợi thời gian sau đi cắt thuốc săn cho bằng được “thằng chống gậy”.
Tôi cứ tưởng rằng chồng chỉ đùa cho vui. Nào ngờ vài hôm sau anh uống rượu về và tìm cớ gây sự với tôi, buông lời xúc phạm. Tôi lời qua tiếng lại với anh, lấy cớ vợ hỗn láo, chồng tát tôi vài cái. Khi tôi ngã xuống, anh đạp vào bụng tôi, vừa đánh vừa la: “Tao đánh cho đứa con trong bụng mày phải chết mới thôi”.
Sau đó tôi phải nhập viện vì sẩy thai, khi tỉnh dậy đầu óc hoảng loạn. Tôi suy nghĩ lung tung, "hổ dữ còn không ăn thịt con", đằng này anh quá nhẫn tâm, độc ác. Tôi có nên quay về với người chồng vũ phu, bạc bẽo này không? (Doc gia).
Trả lời:
Em thân mến,
Quả thật là một nỗi đau khôn xiết khi mất đi đứa con mà mình đã dành bao yêu thương và chờ đợi. Xót xa hơn khi nguyên nhân gây ra sự tổn thương này chính là người chồng của em, cha của con em. Có lẽ với em giờ đây những hy vọng về hạnh phúc trọn vẹn đang dần xa vời trong tâm trí, nhưng mong em hãy cố gắng vượt qua nỗi đau này. Sức khỏe hiện giờ và sự hồi phục của em là điều quan trọng hơn tất thảy và sự sáng suốt mới cho em một quyết định đúng đắn.
Dù vấn đề bình đẳng giới đã được cải thiện trong nhiều năm gần đây, nhưng còn không ít người giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Xuất phát từ quan điểm đó nên việc ông bà trông mong có cháu trai để nối dõi tông đường cũng có thể cảm thông. Tuy nhiên, chồng là người đã cùng em sát cánh qua những thăng trầm cuộc sống, lại sắp trở thành cha, anh ấy cần là người vượt qua định kiến và dư luận xã hội để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng quả thật anh đã đặt cái tôi của mình lên trên cảm xúc của em và cuộc sống của con.
Qua chia sẻ của em, trong lúc cả hai vợ chồng đang mâu thuẫn, anh ấy đã có hơi men, cộng thêm bị kích động khi vợ phản ứng gay gắt nên đã hành xử thiếu suy nghĩ để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Điều đó cho thấy được tính nóng nảy và khả năng kiềm chế cảm xúc kém của chồng em cũng như cách ứng xử chưa khéo léo của em. Bởi thế người xưa có câu dạy chẳng sai "Chồng giận thì vợ bớt lời".
Phân tích như vậy để em có thể thấy sự việc xảy ra có sự tác động của cả em và chồng. Em cần xác định xem bạo lực, vũ phu có phải là tính cách của anh ấy hay không. Bởi tính cách từng người, quan điểm và thói quen ứng xử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hôn nhân. Trong khi đó, những yếu tố này khó có thể thay đổi được nên chúng ta chỉ có thể chấp nhận và tìm cách sống hòa hợp với bạn đời mà thôi.
Em cần gặp trực tiếp anh ấy để đối diện với sự việc đã xảy ra. Qua đó xác định rõ những mong đợi của chồng ở cuộc hôn nhân này, nguyên nhân khiến anh ấy hành xử như vậy. Em cũng đừng ngại chia sẻ thẳng thắn cho anh ấy biết những tổn thương trong lòng, điều anh ấy đang làm là vô cùng nguy hiểm, nó khiến em lo sợ và không cảm thấy an toàn trong chính gia đình mình. Hãy khẳng định giá trị mà hai vợ chồng mong đợi ở con cái là giới tính hay sự hạnh phúc, thành đạt của con.
Nếu chồng nhận ra lỗi sai và cởi mở để hòa hợp với quan điểm của em thì hãy cho anh ấy cơ hội bù đắp lại những tổn thương để chăm sóc, biết yêu thương, trân trọng em hơn. Thực tế không ai hoàn thiện, trong khi sự cố gắng cải thiện là giá trị cần được trân trọng.
Nếu như nhận thấy ở chồng em những dấu hiệu không bằng lòng hoặc miễn cưỡng thì em vẫn sẽ gặp nguy cơ tương tự trong cuộc sống tương lai phía trước. Lúc này, em hãy cân nhắc thật kỹ vì sự không an toàn ở trong chính gia đình mình sẽ ảnh hưởng lên tất cả khía cạnh khác trong xã hội từ công việc, các mối quan hệ và sự phát triển của con cái. Trong trường hợp cực chẳng đã, hãy tạm thời ly thân chồng, trước là để hồi phục sức khỏe và tâm bình an, sau là có thời gian suy nghĩ kỹ về những kế hoạch cho tương lai của mình.
Chúc em nhiều sức khỏe và có quyết định sáng suốt cho hạnh phúc của mình.
Chuyên viên tư vấn Tâm lý Hồ Đắc Sơn
Tổng đài tư vấn 1900 6233
Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật