Chị có vài suy nghĩ gửi em, xuất phát từ kinh nghiệm làm dâu một gia đình có đạo công giáo và trải nghiệm cuộc sống gia đình hơn 5 năm của chị. Hy vọng em có thể có lựa chọn phù hợp nhất cho mình.
Trước tiên chị xin khẳng định rằng không phải khi theo đạo công giáo là không được thờ cúng tổ tiên ông bà. Bố mẹ chồng chị là trưởng tộc - dâu trưởng của dòng họ, với vai trò đó, ông bà đã chu toàn rất chu đáo bổn phận thờ kính tổ tiên cả hai bên. Mẹ chồng chị còn có nguyện vọng thờ cúng bố mẹ của bà (tức ông bà ngoại chồng chị), và bà cũng được toại nguyện khi con trai trưởng lập bàn thờ ông bà ngoại bên nhà anh. Tất cả các dịp giỗ, Tết, đại gia đình tứ đại đồng đường nhà chồng chị đều tụ họp con cháu để thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên ông bà, tuy mâm cỗ giỗ không phức tạp nhiều món như các gia đình bên lương, nhưng chị tin là vẫn đầy ắp tấm lòng con cháu hướng về gia tiên.
Về bên đạo, bố mẹ chồng chị có một người con đi tu, làm linh mục dòng Tên, một dòng tu nổi tiếng của đạo công giáo, do đó các cụ cũng là những người được trọng vọng và được mời tham dự các hội đoàn, điều này chứng tỏ bố mẹ chồng chị không lỗi Đạo. Nói hai mặt Đạo - Đời để em thấy và hiểu rằng mọi phong tục của người Việt Nam, nhất là truyền thống tốt đẹp thờ kính tổ tiên ông bà, không hề bị cấm theo giáo lý công giáo.
Vậy tạm gác lại các băn khoăn về Đạo, về độ phức tạp của gia đình bạn trai em, hãy bàn việc hôn nhân gia đình, tương lai của em. Chị cảm nhận em là một người sống rất tình cảm, có trách nhiệm, do đó cũng nhiều khi tự nhận nhiều trọng trách về mình, và vì là người sống có tình cảm, nên em cũng hay bị tình cảm chi phối. Em hãy tạm dừng lại một chút và suy nghĩ:
Xác định lại trong cuộc sống hôn nhân gia đình, các giá trị nào em đánh giá cao nhất và đòi hỏi người bạn đời của em cũng có quan niệm sống tương tự. Ví dụ: đối với hai vợ chồng chị, tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất, những thứ có giá trị nhất qua hơn 5 năm hôn nhân đối với vợ chồng chị là tình yêu, nghị lực sống, lòng chân thành, sự giao tiếp thẳng thắn và tế nhị.
Ngoài các giá trị này, em hãy xác định thêm các yếu tố cần có thêm để cuộc sống hôn nhân, gia đình được viên mãn. Ví dụ: người vợ/chồng cần có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tương đối, gia đình cơ bản, hai bên gia đình đều làm ăn lương thiện, bố mẹ chồng tốt bụng... Các yếu tố này có thể khi chưa bước vào cuộc sống gia đình em thấy chưa ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Thực tế các yếu tố này lại có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình và bản thân mà em chỉ nhận ra sau khi đã kết hôn. Ví dụ: nếu em có một người bố/mẹ chồng không có thiện cảm với mình, đó cũng sẽ là một khó khăn cần vượt qua trong đời sống gia đình vì từ yếu tố này. Có thể sẽ có các sự cố hiểu lầm liên tiếp dẫn đến mâu thuẫn và ảnh hưởng nặng nề tới tình cảm vợ chồng, bố mẹ, con cái.
Nếu em có một gia đình nhà chồng phức tạp, có thành phần bất hảo, thì ngoài việc vợ chồng con cái lo lắng vun đắp cho nhau (mà thực tế đã đòi hỏi rất nhiều nỗ lực rồi) em và chồng còn phải thêm nhiều trách nhiệm với gia đình chồng. Anh/em chồng dù bất hảo tới đâu, đáng khinh đáng ghét đến đâu, thì khi người ta cùng đường, em và chồng vẫn có bổn phận phải cưu mang, tha thứ cho họ. Đó là tình, là nghĩa, là cách sống mà mình cũng phải theo để còn cho con cái mình noi theo.
Ví dụ nhỏ nữa thôi, chồng em có nghề nghiệp bấp bênh, chưa có thu nhập ổn định, hai vợ chồng có một con nhỏ phải lo, chỉ cần một người trong tứ thân phụ mẫu của hai vợ chồng ốm đau liệt giường thời gian dài, nghĩa là vợ chồng em có trách nhiệm và bổn phận phải chăm lo cho bố mẹ, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng gia đình nhỏ của mình. Nếu không có nền tảng nghề nghiệp (để có thu nhập ổn định), chị nghĩ đó là khó khăn không nhỏ.
Nếu không có, không thống nhất được các giá trị sống số một ở trên, khi thiếu các yếu tố số 2 bạn trai và em sẽ cảm thấy khó tiếp tục cuộc sống hôn nhân gia đình. Vì suy cho cùng, tình yêu và nghị lực sống là yếu tố tiên quyết nhất để giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, dễ chấp nhận, tha thứ cho bản thân và cho nhau. Nếu không còn lăn tăn gì về tình yêu dành cho nhau, em hãy xem xét thêm yếu tố nghị lực sống. Ví dụ có những người xuất phát từ gia đình phức tạp như bạn trai em, nhưng họ có nghị lực sống mạnh mẽ (thậm chí cực đoan theo kiểu "bằng mọi giá phải thoát ly, thoát nghèo" kể cả bằng cách không lương thiện mà có thể họ không nhận ra).
Ít nhất, hãy suy xét xem bạn trai em có đủ nghị lực sống không? Khi gặp khó khăn trong công việc, bạn trai em có tìm cách vượt khó, coi nó như một phần tất yếu của quá trình làm việc và thăng tiến nghề nghiệp không? Nếu bạn em thấy công ty nào, công việc nào cũng khó làm việc, khó hòa nhập, tức là thực ra bạn em khó hòa nhập vào môi trường mới, khó chấp nhận một hoàn cảnh mới thì chị nghĩ bạn chưa có nhiều nghị lực, đó lại là yếu tố tiên quyết để cùng nhau vượt khó khi lập gia đình với em.
Hãy lấy ví dụ một khó khăn của trong gia đình chị. Hai gia đình cơ bản, bố mẹ, anh chị em hai bên làm ăn lương thiện, có nghề nghiệp đàng hoàng. Ngay sau khi kết hôn là khủng hoảng kinh tế 2008, thực tế nó cũng kéo dài cho tới tận bây giờ, chồng chị tự làm nghề riêng (làm freelancer, không phải kinh doanh) nên càng ngày càng khó có khách hàng, không có thu nhập. Chị có công việc tạm ổn và thu nhập hàng tháng ổn định. Có con đầu lòng nguồn thu nhập của chị vẫn đủ để trang trải tiền sinh hoạt gia đình hàng tháng bao gồm bố mẹ chồng, hai vợ chồng và đứa con.
Khi có con thứ hai, cuộc khủng hoảng thực sự bắt đầu. Con thứ hai của chị có một loạt vấn đề về sức khỏe, nhập viện liên tục từ khi hơn một tháng tuổi. Hai đứa thay nhau ốm, bố mẹ bỏ hết mọi công việc, xin nghỉ phép, nghỉ không lương để lo cho con. Do đó chồng chị cũng không có tâm trí để mở rộng nghề nghiệp, thu nhập do đó vẫn bấp bênh. Tài chính mới là một mặt của vấn đề.
Vấn đề thứ hai là sức khỏe cả thể lý và tinh thần của hai vợ chồng. Triền miên thức đêm và khổ sở lao tâm lao lực, lo lắng cùng cực cho con, vì nhiều lúc các biểu hiện bệnh của con không điển hình, mỗi lần lại bị một thứ bệnh bất thường nào đó mà trong hành trình làm bố mẹ lần đầu, anh chị chưa được biết tới. Có hàng tháng trời con ốm, đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Ngoài việc lo lắng cho con, một điều mọi người thường quên mất trong đời sống hôn nhân là quên không lo lắng chăm sóc, quên việc quan tâm tới cảm xúc của nhau.
Đến giờ phút này, mặc dù phải chạy ăn từng bữa, tháng nào cũng phải đi vay tiền để lo cho con, trong nhà chị là người lo mọi thứ liên quan tới tài chính và là người gần như ra quyết định trong mọi việc liên quan tới con cái (do bản năng người mẹ bắt buộc phải phản ứng nhanh để bảo toàn sức khỏe của con), chị vẫn thấy trân trọng người bạn đời của mình vì:
Anh không có thu nhập ổn định nhưng là người hết lòng vì vợ vì con. Trông con, thức đêm thì hai vợ chồng đều mệt và vất vả như nhau nhưng anh hay dành phần thức đêm nhiều hơn để vợ còn có sức đi làm ban ngày mặc dù về bản năng, bố vẫn không thể kiên nhẫn bằng mẹ, nhất là lúc con cáu, hét buổi đêm nhiều quá. Khi vợ có biểu hiện đau, mệt, anh sẵn lòng làm mọi thứ để vợ khỏe lại nhanh (bấm huyệt, đánh cảm, pha nước gừng...)
Trong việc giáo dục con cái: nhiệm vụ cả hai vợ chồng chị đặt lên hàng đầu, anh là người đi đầu. Không chỉ là những việc như hàng ngày đưa đón con đi học, tắm cho con, anh ấy đảm nhiệm quanh năm dù nhà chị vẫn có giúp việc để trông em bé thứ hai nhé. Vợ chồng chị cùng thống nhất các nguyên tắc dạy con và quan trọng hơn, cả hai đều ý thức dạy con bằng cách sống của mình.
Muốn con nên người thì bố mẹ cũng phải yêu thương nhau, yêu thương các con, muốn các con biết thương yêu ông bà thì bố mẹ cũng phải tôn trọng, quan tâm tới ông bà. Đặc biệt muốn con có đời sống lành mạnh thì ngay từ những thứ nhỏ nhặt như xem tivi các phim người lớn, bạo lực, yêu đương, bố mẹ cũng phải hạn chế và ít xem khi có con cái, tới những thứ to tát hơn như chung thủy với nhau, không cờ bạc, rượu chè..., đều phải ý thức tuân giữ.
Nếu không có anh ấy là chỗ dựa (ở mảng chăm lo nuôi dạy con cái) thì chị cũng không thể làm việc và phát triển nghề nghiệp như hiện nay. Anh luôn động viên chị đảm nhận những vai trò lớn hơn trong công việc, khi thấy chị mệt mỏi, stress, anh nói rằng qua khó khăn thì mình mới trưởng thành. Nhờ có anh mà mặc dù quá vất vả lao lực vì con cái, chị vẫn có một số bước phát triển trong nghề nghiệp. Anh đã giúp sức, bổ trợ rất tốt trong việc vun đắp cuộc sống gia đình.
Một điểm nữa chị muốn nhấn mạnh đó cuộc sống vất vả, khó khăn và mệt mỏi triền miên thế nhưng anh chị sống tự lập hết mức có thể, chỉ đến khi bất khả kháng như con đi viện, cần thêm người trông nom, trợ giúp, anh chị mới nhờ đến ông bà ngoại. Ông bà luôn cảm thấy thương con gái, thương cháu vì không may mắn, thuận lợi như những người khác, nhưng cũng cảm thấy tin tưởng rằng con mình dù có ở hoàn cảnh nào cũng luôn có nghị lực để vượt qua. Đó là điều mà người làm cha làm mẹ mong muốn nhất và cũng là niềm tin mà chị muốn bố mẹ chị có, để bố mẹ không phải quá lo lắng vất vả cho con cháu ở cái tuổi đáng lẽ phải được an nhàn thảnh thơi tuổi già.
Tuy khó khăn, vất vả, nhiều lúc cảm thấy kiệt sức về thể lý nhưng vợ chồng chị vẫn mặn nồng, gắn kết và cảm thấy không hề chán nản nhờ những phẩm chất và giá trị chung. Muốn gắn bó lâu dài với bạn trai mình, em hãy trao đổi với cậu ấy một cách chân thành, thẳng thắn nhưng thật tế nhị và tôn trọng nhau xem những phẩm chất và giá trị chung nào mà hai em sẽ lấy làm nền tảng cho cuộc sống gia đình. Nếu được như vậy hôn nhân mới hạnh phúc và bền vững, dù có bao nhiêu khó khăn thử thách.
Nếu em tự suy xét những điều chị nói trên đây và cảm thấy em và bạn trai thực sự chưa đủ nền tảng vững chắc thì em nên cân nhắc hướng đi riêng cho mình. Hãy luôn là em, sống tình cảm và đầy trách nhiệm, nhưng hãy thêm lý trí vào từng quyết định của mình để có lựa chọn tốt nhất, cho bản thân và cho những người yêu thương em. Chúc em luôn vững vàng!
Hoàng Anh