Nigel chia sẻ câu chuyện khiến ông trở thành tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Novavax với bác sĩ John Wright, Bệnh viện Hoàng gia Bradford. Câu chuyện sau đó được bác sĩ Wright đăng tải trên BBC.
Vào tháng ba, Pauline Demaline, một phụ nữ khỏe mạnh 56 tuổi, nhiễm nCoV. Bà qua đời sau vài ngày điều trị tại bệnh viện.
Pauline là giáo xứ trưởng tại nhà thờ Holy Trinity ở Skipton. Bà và chồng là Nigel đã rất cẩn trọng. Hai người chẳng dám ra ngoài nhiều. Nigel thường đi chợ vào các buổi sáng sớm khi mọi gian hàng đều vắng khách. Tuy nhiên, Pauline vẫn phải đi làm và thi thoảng gặp các giáo dân khác, ví dục khi các cặp vợ chồng sắp cưới và thông gia hai bên.
Tại một thời điểm nào đó, bà dần mất sức và trở nên mệt mỏi. Nigel cho biết: "Pauline như thể kiệt sức hoàn toàn mỗi khi tan sở. Về đến nhà, cô ấy lại nằm dài trên ghế. Pauline từng có biểu hiện khó thở, nhưng tôi chỉ nghĩ đó là do bệnh hen suyễn".
Mọi người đều khuyên Pauline đến bác sĩ khám, bà chẳng chịu đi. Pauline nghĩ tình hình sẽ ổn, và mọi chuyện sẽ qua.
Cuối cùng, Nigel buộc Pauline phải đi khám.
"Tôi nói với Pauline rằng cô ấy có ba sự lựa chọn: tôi sẽ dẫn đến gặp bác sĩ, tôi có thể gọi xe cứu thương hoặc là tôi sẽ đưa thẳng cô ấy vào phòng cấp cứu. Tôi không biết đó lại là lần cuối cùng Pauline rời nhà".
Tại phòng cấp cứu, kết quả xét nghiệm của Pauline âm tính. Trong lúc các bác sĩ chuẩn bị chuyển bà ra khỏi khu cách ly, hình chụp X-quang lồng ngực của Pauline đã khiến họ thay đổi quyết định.
Nigel nhớ lại: "Khoảng bốn giờ sau, bác sĩ quay lại xin lỗi vì xét nghiệm cho kết quả âm tính giả. Tại thời điểm đó, xét nghiệm kháng thể nCoV còn quá mới mẻ với họ".
Ngày sau đó, tình trạng của Pauline xuống dốc rất nhanh.
"Lần tiếp theo khi bác sĩ gặp tôi và con trai, ông ấy nói tình trạng hiện tại của Pauline rất tệ. Chúng tôi hỏi ông ấy về thời gian, và ông bảo hai ngày, hoặc may mắn lắm thì ba ngày. Đó là thời khắc tôi nhận ra ‘đây là sự thật nghiêm trọng' mà gia đình phải đối mặt".
Pauline nhập viện thứ ba, ngày 25/3. Cuộc trò chuyện với bác sĩ diễn ra vào ngày thứ sáu. Đến chủ nhật, Nigel và con trai đã dành cả ngày ở bên Pauline. Lúc ấy, bà đang rất khó thở và thứ hai ngày 30/3, Pauline qua đời.
Nigel và Pauline gặp mặt tại một bãi biển ở Douglas, khi Nigel nhận ra bạn của Pauline là đồng hương cùng quê với ông. Một năm sau, Nigel gia nhập trung đoàn 16/5 The Queen's Royal Lancers, đóng quân gần biên giới phía đông nước Đức.
Năm 1982, Nigel và Pauline kết hôn. "Chúng tôi lúc đó còn quá trẻ, nhưng trở thành chồng của Pauline là lẽ tự nhiên", Nigel cho hay.
Nigel luôn cho rằng ông sẽ qua đời trước vợ của mình, bởi Pauline chỉ có tiền sử về hen suyễn, nhưng nó đã được kiểm soát chặt chẽ từ lúc còn bé.
"Đau đớn không thể chịu nổi. Cảm giác vô dụng chợt quét ngang tôi. Tôi muốn làm gì đó để cứu Pauline nhưng tôi không thể", Nigel nói.
Vào lúc Pauline mất đi, Nigel không biết liệu bản thân có bị nhiễm virus. Ông không được xét nghiệm. Tuy nhiên, bởi vì ông đã đến thăm vợ của mình tại bệnh viện đa khoa Airedale gần Keighley, ông cần phải cách ly hai tuần.
Nigel chia sẻ: "Quãng thời gian đó thật mơ hồ. Dường như một phần nào đó của ký ức bỗng dưng bị xóa sạch. Tôi không nhớ là mình đã ngồi xem gì trên tivi. Rồi tôi chợt thức giấc thật sớm với lồng ngực thắt chặt. Vì thương xót? Hay tôi đã bị nhiễm nCoV nhưng chỉ với những triệu chứng nhẹ? Tôi không biết".
Nỗi mất mát to lớn đã thúc đẩy Nigel trở thành một trong những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Novavax tại bệnh viện Hoàng Gia Bradford.
Nigel cho biết: "Tôi không hề do dự. Tôi chỉ nghĩ là tôi cần phải làm điều này. Bởi lẽ, tôi không muốn một ai khác phải trải qua điều tồi tệ mà gia đình tôi đã phải gánh chịu".
Vaccine Novavax đã được phát triển ở Mỹ và đang được thử nghiệm tại Anh trên 10.000 tình nguyện viên. Vaccine Novavax được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp nhắm đến protein gai - protein mà mầm bệnh sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Giống như vaccine Oxford, sản phẩm của Novavax có lợi thế nổi bật là ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, do đó không cần các giải pháp vận chuyển hoặc bảo quản đắt tiền. Điều này sẽ rất quan trọng khi triển khai ở các nước kém phát triển.
Hiện thế giới có 11 loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm lần ba và Pfizer vừa hoàn thành giai đoạn này với hiệu quả 95%. Moderna là hãng thứ hai tại Mỹ công bố vaccine hiệu quả 94,5%. Oxford/AstraZeneca thông báo hiệu quả 70 đến 90%. Trước Moderna, Nga đã thông báo vaccine Sputnik hiệu quả 92% nhưng không thông tin chi tiết dữ liệu thử nghiệm. Sputnik là vaccine đầu tiên được Nga phê duyệt dù chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm.
Mới đây nhất, Anh và Bahrain là hai quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine Pfitzer. Anh dự kiến đưa vào tiêm chủng đại trà, với 800.000 nghìn liều tiêm đầu tiên, bắt đầu từ tuần sau. Vaccine Novavax đang được thử nghiệm ở giai đoạn ba, đã được nước này đặt mua 60 triệu liều.
Đà Thành (Theo BBC)