Ông Phúc trao đổi với báo chí sáng 29/10 bên hành lang Quốc hội, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về công tác dự báo và kế hoạch của Chính phủ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc. Ảnh: Hoàng Hà
- Diễn biến kinh tế năm nay rất khác biệt so với dự báo và chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này?- Công tác dự báo của chúng ta cố gắng hết mức, nhưng thông tin chưa đầy đủ, con người cũng chưa được đào tạo đầy đủ. Dự báo bây giờ gắn với dự báo quốc tế. Ngay cả các nhà chiến lược, các nhà dự báo nổi tiếng quốc tế cũng có lúc sai. Ông Alan Greenspan, người được coi là "phù thuỷ" của kinh tế Mỹ cũng nói rằng chuyển biến của nền kinh tế thời gian qua nằm ngoài dự báo của ông.
Tôi nói như thế để thấy rằng dự báo là rất khó. Vấn đề là phải kết nối toàn cầu nhưng khả năng này chúng ta chưa có. Việc dự báo cũng không phải của một cơ quan mà là nhiều nơi: cơ quan quản lý giá phải dự báo về giá, thương mại phải dự báo thị trường quốc tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ dự báo ở tầm vĩ mô, các kế hoạch trung hạn, dài hạn. Còn việc điều hành cụ thể thì các Bộ trưởng phải có đội ngũ dự báo của mình.
- Từ cuối năm 2007, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu suy thoái và lạm phát trong nước xảy ra. Vậy tại sao Việt Nam vẫn chọn phương án tăng trưởng và lạm phát lạc quan?
- Dấu hiệu của năm 2007 không phải là lạm phát mà vẫn là dấu hiệu tăng trưởng. Lượng đầu tư vào rất lớn. Chỉ có một điều là giá cả, nhưng lúc đó chúng ta chỉ nghĩ về vấn đề tài chính, tiền tệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ và cảnh báo trong văn bản ngày 23/8/2007 về khả năng giá cả tăng. Lúc đó mọi người đều dự báo đều tăng trưởng, chứ không ai nghĩ rằng kinh tế thế giới 2008 khó khăn như thế.
- Trước diễn biến kinh tế thế giới khó đoán như hiện nay, tại sao Bộ lại trình Quốc hội phương án GDP và CPI cho năm 2009 là 7% mà không có độ xê dịch?
- Theo tôi GDP có thể dự báo được, CPI cũng nên dự báo. Chính phủ nên trình Quốc hội các con số để có hướng điều hành. Còn đó là con số cụ thể nào thì ngày 1/11 tới đây, Chính phủ sẽ họp bàn và quyết định. Ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được Chính phủ cân nhắc, tiếp thu.
- Bộ trưởng nghĩ sao khi Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng 7% cho năm 2009, trong khi các nước trong khu vực đang cố gắng điều chỉnh chỉ tiêu để khỏi bị tăng trưởng âm?
- Tôi nghĩ rằng ta khác, họ khác. Thứ nhất, vì thị trường tài chính của ta chưa hội nhập. Họ hội nhập rồi nên bị tác động lớn. Các ngân hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là thị trường vốn tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của họ.
Thứ hai là một số nước xuất khẩu, như Nhật, phụ thuộc vào thị trường Mỹ với hàng hoá công nghệ cao như ôtô và các phương tiện đắt tiền. Còn những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thiết yếu như may mặc, nông sản, thực phẩm. Nhu cầu những mặt hàng này có thể giảm nhưng không nhiều. Ngoài ra, chúng ta cũng hướng tới kích cầu thị trường nội địa và một số thị trường đang phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác.
- Nhiều chuyên gia bắt đầu nói đến khả năng nền kinh tế đối mặt với giảm phát. Bộ trưởng đánh giá như thế nào?
- Đây là vấn đề chúng ta cần phải xem xét. CPI mới giảm một tháng. Nói đến giảm phát là phải xét nhiều yếu tố, trong đó chỉ số giá chỉ là một, ngoài ra còn là sức sản xuất, sức mua của người dân và nhiều yếu tố khác. Vấn đề này còn tuỳ thuộc tình hình khu vực và thế giới. Giá giảm trong thời gian qua là do giá thế giới giảm đột biến, chẳng hạn như giá dầu sụt đến 50%, điều này tác động lớn đến chúng ta.
Hiện chưa thể vội vàng kết luận mà phải theo dõi tiếp trong tháng 11, 12, xem sản xuất của doanh nghiệp, sức mua của dân, chỉ số tăng giá. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề phòng các biện pháp để ngăn ngừa thiểu phát, vì chống thiểu phát còn mất nhiều thời gian hơn lạm phát.
Kỳ Duyên ghi