Từ khi cưới, vợ chồng tôi thuê nhà ở chung với em trai chồng 28 tuổi và mẹ chồng 68 tuổi để tiện cùng chăm sóc mẹ chồng. Trước chồng tôi làm tự do, lương công nhật 400-500 nghìn đồng mỗi ngày, anh cho xưởng gỗ hoặc phụ vẽ tranh tường, xịt sơn tượng decor... Đầu năm 2021, TP HCM bùng phát dịch Covid, mọi thứ bị đình trệ, đóng băng, chồng tôi thất nghiệp. Tôi sinh con nên chồng ở nhà phụ chăm vợ và con nhỏ đến nay. Tôi đi làm lại từ tháng sáu năm 2022. Bé nhà tôi hơi còi, 13 tháng chỉ tầm 8,5 kg, biếng ăn, uống sữa khó, sữa phải bón thìa từ lúc tám tháng đến nay. Vợ chồng tôi chưa gửi trẻ, dự định con 18 tháng, đi vững và hút được sữa được thì gửi.
Hiện mức đóng góp sinh hoạt phí chung cho gia đình bốn người lớn như sau: vợ chồng tôi góp 11-12 triệu đồng mỗi tháng, em trai chồng 7,5 triệu đồng. Vì vậy, thu nhập 29 triệu đồng mỗi tháng của tôi hiện để trang trải sinh hoạt phí chung; các nhu cầu riêng, hiếu hỷ của hai vợ chồng và chi phí con nhỏ, dư một ít tôi góp chơi hụi chỗ uy tín, người quen, phòng khi có rủi ro hoặc dịp cần khoản chi lớn.
Phân chia công việc hai vợ chồng tôi hiện tại: Sáng tôi cho con uống sữa, ăn dặm xong đi làm. Chồng dậy sớm đi chợ, cơm nước để ăn trong ngày, cũng là để tôi mang cơm trưa đi làm. Trong ngày, nội phụ dọn dẹp nhà cửa, chén bát, ẵm cháu đi dạo xóm; về chồng tôi cho con ngủ, sữa, dặm... Chiều tối về, tôi cho con uống sữa rồi cho bé ngủ.
Những tưởng cuộc sống với phân công như vậy sẽ êm đềm đến ngày con đi trẻ, nhưng không, chúng tôi thường xuyên cãi nhau bởi những chuyện vặt vãnh kiểu: chồng đã bỏ công nấu nướng còn phải hầu vợ ăn, năn nỉ ăn, hết mẹ tới con con... Nhưng kỳ thật, sức ăn của tôi rất ít, lại kén ăn, nhiều món tôi đề nghị nấu nhưng lại ăn được vài miếng. Tôi không nhẹ nhàng, kiên nhẫn với con, hay la mắng, lớn tiếng quát tháo khi con uống mãi không xong bữa hoặc không hiểu chồng mình, nói chuyện đôi ba câu lại to tiếng.
Phận làm vợ mà tôi không quản lý tài chính tốt, tiêu xài hoang phí, chồng góp ý thì to tiếng nọ kia. Tôi vừa lo chi phí nuôi con nhỏ, vừa đóng góp vào sinh hoạt phí chung, cộng với hiếu hỷ nọ kia của hai vợ chồng và tiền hụi. Dường như tháng nào tôi cũng âm tiền qua thẻ tín dụng, đợi lương tháng sau bù vào, cứ thế gối đầu, muốn tiết kiệm cũng không thể. Tôi không tiêu xài gì để gọi là hoang phí; từ ngày có con mọi thứ tôi đều ưu tiên cho con, đến mỹ phẩm cũng không dám mua thì hoang phí kiểu gì.
Tôi rất áp lực về tài chính, cộng với việc con biếng bú, biếng ăn. Vợ chồng cũng vì thế lời qua tiếng lại, bất hòa. Nhiều hôm, đợi con ngủ, tôi chỉ biết khóc cho đỡ uất ức, mong con ăn ngoan bú giỏi, chóng lớn để an tâm gửi trẻ. Nói thêm, bé nhà tôi khó chịu, nội lại có bệnh nền như rối loạn tiền đình, tiểu đường, bệnh người già; quan điểm "con mình thì mình tự chăm" nên chồng mới ở nhà chăm con, nội phụ, không để bà chăm hẳn.
Mấy ngày trước, chúng tôi cãi nhau to, nguyên nhân chỉ chuyện cái "ao làng", rằng mẹ chồng lên thăm chị và ở với chị tròn tháng, em chồng không ăn cơm nhà nên chồng kêu tôi thối tiền lại cho em chồng. Tôi hẹn cuối tháng vì đang kẹt. Hôm cà phê, anh hỏi tôi tính gửi lại em chồng bao nhiêu, tôi nói chưa biết, đang tính hỏi anh. Chồng lại mặt nặng mày nhẹ: "Có mỗi việc thu chi mà việc gì cũng tới tay anh. Nếu anh nói gửi lại 10 triệu đồng em có đồng ý không"? Thế là vợ chồng cãi nhau, chồng đánh tôi, đầu tôi hiện còn xưng, vai và miệng vẫn còn đau nhức. Tôi rất ức chế, muốn kết thúc cuộc hôn nhân này để giải thoát cho mình.
Chồng từng vài lần đánh vợ. Đỉnh điểm lúc con tầm ba, bốn tháng, tôi gọi ngoại vào để hai bên nói chuyện nhằm kết thúc cuộc hôn nhân. Chồng xin lỗi, hứa từ nay sẽ bỏ thói vũ phu, có gì cả hai ngồi nói chuyện, vậy mà mấy hôm trước anh lại đánh tôi. Tôi chỉ muốn trải lòng, cũng mong những ai ở cùng hoàn cảnh hiểu và cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn.
Dung
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc