Hàng nghìn tỷ USD được "rửa" trên toàn cầu mỗi năm. |
Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo "Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố" do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước VN (SBV) tổ chức sáng nay.
Theo bà Bronwyn Somerville, Chuyên gia tư vấn Ban thư ký Nhóm công tác chống "rửa tiền" châu Á - Thái Bình Dương (APG), VN nằm ở một ví trị mà các hoạt động buôn bán ma tuý diễn ra rất phổ biến. Những tên tội phạm có thể kiếm được các khoản tiền kếch xù từ việc buôn bán "chất trắng chết người", và để hợp pháp hoá những đồng tiền này, chúng tìm đến VN.
Trong bài trình bày của mình, bà Somerville cũng khuyến cáo tình trạng tồn tại nhiều hệ thống chuyển tiền hiện nay ở VN. Ngoài các ngân hàng làm ăn chính thống, ở VN còn có "sự góp mặt" của hàng trăm công ty chuyển tiền khác mà đôi khi không có cách nào thống kê được. Hệ thống "ngân hàng ngầm" cũng hoạt động rất mạnh mẽ, đặc biệt phổ biến trong mạng lưới chuyển tiền từ lao động nước ngoài gửi về. "Có nhiều trường hợp gửi về nước những món hàng, vật phẩm, thậm chí là vàng với giá trị lên tới hàng triệu USD", bà Somerville nói.
Nạn tham nhũng tại VN cũng được xem như là một yếu tố thúc đẩy nạn rửa tiền. Bà Somerville cho rằng, vấn nạn này không chỉ huỷ hoại sự phát triển của thể chế mà còn là một yếu tố thuận lợi khuyến khích hoạt động rửa tiền tại VN trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó chánh thanh tra SBV, chống rửa tiền đối với VN là một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Trước đây, tại VN đã có quy định về hành vi che giấu, hợp pháp hoá các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, nhưng còn tản mạn trong các văn bản pháp luật. Để thực hiện cam kết với các tổ chức quốc tế, SBV đã soạn dự thảo Nghị định về phòng chống "rửa tiền". Đến tháng 11 năm 2004, SBV đã trình Chính phủ dự thảo trên.
Dự thảo quy định mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt phải báo cáo là 200 triệu đồng hoặc giá trị tương đương bằng vàng, ngoại tệ. Trong trường hợp gửi tiết kiệm, số tiền trên sẽ là 500 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo còn quy định danh mục các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ được SBV bổ sung định kỳ bằng văn bản riêng, và cho phép thành lập Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền trực thuộc SBV làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin có liên quan đến rửa tiền.
Theo ông Edwin Lam đến từ Cơ quan cảnh sát Hong Kong, "rửa tiền" là một trong những hành vi tội phạm xuyên quốc gia mà hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt. Hàng năm, hơn 1.000 tỷ USD đã được hợp pháp hóa trên toàn cầu. Không ít tập đoàn tài chính đã bị sụp đổ vì vấn nạn này.
Ông Peter Csonka, Vụ pháp chế IMF, cho rằng để hạn chế hoạt động của bọn tội phạm rửa tiền, các tổ chức tài chính phải thẩm tra nhận dạng của khách hàng, bao gồm tư cách pháp nhân, chủ sở hữu chính và những người hưởng lợi, duy trì những hồ sơ nhận dạng và giao dịch trong thời gian tối thiểu là 5 năm. Đối với các giao dịch phức tạp và không bình thường, các tổ chức tài chính cũng nên có sự quan tâm đặc biệt và phải thường xuyên theo dõi.
Trong hoạt động phòng chống rửa tiền, tổ chức tài chính cũng cần phải đặc biệt lưu tâm đến những người có dính líu tới chính trị, những cá nhân đang hoặc từng được giao thực hiện những công việc quan trọng của quốc gia tại nước ngoài. Đó có thể là các chính khách đứng đầu chính phủ, hay các bộ, ngành.
Hà Vy