Vợ chồng tôi hợp nhau nhiều thứ, từ tình cảm đến sở thích các môn thể thao, đúng nghĩa là "bạn trên đường, tình nhân trên giường". Bên nội bên ngoại đều quý mến hai vợ chồng.
Nhà tôi có ba đứa, một trai, hai gái. Hai con gái ngoan ngoãn, thông minh nên không có gì đáng nói. Con trai đầu 13 tuổi, bị chứng tăng động giảm chú ý, pha chút tự kỷ. Mọi vấn đề của chúng tôi xuất phát từ đây. Vợ chồng gần như bất đồng quan điểm về mọi thứ liên quan đến bé này. Bé bị những rối loạn như vậy nên rất hạn chế trong giao tiếp xã hội, thường vụng về chuyện ăn uống và cả sinh hoạt. Bé hơi khó học và gần như rất ít chơi được cùng với các bạn; thường lăng xăng, không nắm nguyên tắc, luật chơi nên hay bị loại ra.
Ở nhà, chúng tôi luôn tranh thủ dạy bé làm việc nhà. Bé rửa chén, nấu cơm, mọi thứ biết làm thì đều làm rất sạch sẽ. Nhưng trong khi làm bé hay lơ đãng, mất tập trung, luôn luôn phải hối. Thậm chí khi bưng cơm ăn cũng phải nhắc bé, nếu không thỉnh thoảng ngồi ngơ ngẩn. Ở trường, bé có năng khiếu về ngoại ngữ và tin học, các môn khác không tiếp thu nhiều mà chủ yếu về nhà ba mẹ kèm cặp, dạy thêm. Tôi nhận dạy các môn khoa học xã hội, ba bé dạy môn Toán, Lý.
>> Vợ chồng bất đồng quan điểm khi dạy con học
Ba bé nghiêm khắc và khá cực đoan trong việc dạy dỗ con. Quan điểm dạy con của anh là dùng hình phạt để khắc chế và nếu không dạy được thì loại bỏ. Anh hay dùng đòn roi và nhiếc mắng. Anh đánh con rất đau, nhiều khi vớ gì đánh đó rất nguy hiểm. Tôi không đồng ý với cách đó nên nhiều lần thuyết phục to nhỏ, kết hợp cả năn nỉ lẫn cương quyết, không muốn thấy cảnh đau lòng. Một thời gian anh giảm đánh hơn nhưng lại chuyển sang nhiếc mắng và sỉ vả con một cách thậm tệ. Việc gì con làm không đúng ý anh là anh thấy chướng mắt, ngu si. Ví dụ con vừa rửa chén vừa muốn mở chút nhạc không lời nghe (theo bé thì điều đó giúp tập trung hơn), vậy mà anh chửi rồi đập ngay cái điện thoại, bảo nhìn thấy ghét, ghét nhất là làm gì không tập trung, đang làm cái này mà mở cái kia.
Chúng tôi nhiều lần thương thuyết và cả cãi vã. Đối với tôi, ba mẹ phải cố gắng làm bạn với con, là chỗ dựa tinh thần cho chúng, có thể đánh mắng khi cần nhưng không được đánh quá đau, đặc biệt không được chửi rủa, miệt thị, thậm chí mạt sát, phỉ báng như cách anh đang làm với con. Những lúc tức giận, anh quay sang đổ tội cho tôi, bảo con như thế vì có một bà mẹ như tôi, cứ yêu thương mà không biết dạy dỗ.
Anh rất ít khi gần gũi con, dù tôi nhiều lần đề nghị cha con nên chơi chung môn thể thao nào đó, cố gắng dạy để con hòa nhập, trong khi anh không đủ kiên nhẫn làm. Tôi đề nghị anh cố gắng dành thời gian chăm sóc hai đứa nhỏ để tôi có nhiều thời gian hơn lo cho con trai. Tôi thường dẫn con đi chơi chỗ này chỗ kia, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của cháu. Có cơ hội là tôi cho con trai đi cùng để bất cứ thắc mắc gì con không biết có thể hỏi.
Tôi tranh thủ chỉ cho cháu những thứ đơn giản như lên xe bus thấy người già, phụ nữ mang bầu, phụ nữ thì phải nhường chỗ; bất cứ va chạm gì trên đường hãy cố gắng nói câu xin lỗi trước, ăn uống phải biết sẻ chia, trong gia đình phải thương yêu em vì anh là anh cả. Lý thuyết là thế, đối với một đứa trẻ bình thường sẽ không có gì đáng nói nhưng bé bị rối loạn tự kỷ nên dạy gì cũng rất khó. Chỉ là tôi luôn muốn thuyết phục chồng, cố gắng nhẹ nhàng với con, không phản đối chuyện nghiêm khắc nhưng khi con cần mình nên sẵn sàng giúp đỡ.
>> Không đồng tình cách dạy con của chồng
Anh từng nói với tôi, dạy con tốt nhất đừng dạy nhiều, đừng ham đưa vào thông tin thật nhiều cho con, coi nó như một bức tường trắng, cứ kiên nhẫn gắn từng hạt cát nhưng mỗi hạt gắn lên phải chắc chắn. Tôi đồng ý với anh về cách đó nhưng rồi chúng tôi đều không đủ kiên nhẫn. Tuổi của bé mỗi ngày mỗi lớn, đụng chạm hàng trăm hàng ngàn vấn đề từ chuyện học đến giao tiếp xã hội. Để giúp bé nắm một bài toán anh mất cả tuần, trong khi đó bé có rất nhiều bài phải làm và các môn phải học. Anh bực bội, vừa dạy con vừa chửi mắng, thậm chí trừng phạt, đánh đập. Tôi can ngăn, nói lý lẽ, anh quay sang bảo tại tôi bênh, nó còn ỷ vào tôi nên không tập trung học được.
Tôi phân tích những vấn đề bé gặp phải, rằng bé không giống người ta, hay mất tập trung, bị vậy mình phải từ từ. Anh quay sang chửi bới, bảo tôi biết gì mà nói. Dần dần con như cái gai trong mắt anh. Anh ghét con ra mặt, tuyên bố là nếu nhà này có con thì không có anh. Anh bắt buộc tôi phải cho con đi học nội trú, cứ nhìn thấy con trong nhà là anh không thể lành bệnh. Anh bị chứng bệnh rối loạn lo âu. Đó cũng là cách anh cho là duy nhất để con trưởng thành.
Nếu nhà ai có một đứa trẻ tự kỷ sẽ hiểu những khó khăn chúng tôi trải qua như thế nào. Điều đó không đáng sợ bằng những gì tôi không lường được khi bé không có ba mẹ ở bên. Tôi không thể buông con. Bé đang gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, điều chỉnh các hành vi trong gia đình và ngoài xã hội, ở tuổi bắt đầu dậy thì. Tôi bàn bạc với anh để xin trì hoãn, cho gần con thêm hai năm nữa. Tôi nói anh cũng vậy, cố gắng nén cái tôi lại để chỉ bảo cho con hai năm nữa, lên cấp ba sẽ tìm cho con một trường nội trú phù hợp. Nếu anh quá chướng mắt, cứ để con đó, không dạy thì tôi tìm cách. Tôi muốn con ít nhất có ý thức tình cảm của gia đình, cho đến lúc bé có thể có những kỹ năng cơ bản và tự lập bên ngoài.
Chủ nhật vừa rồi, cả nhà về nội chơi, đi được khoảng 20 km, vì không vừa ý chuyện con trai trêu em, anh đuổi con xuống xe giữa đường. Tôi nhỏ nhẹ với anh, để tôi nói các con chứ đừng đuổi. Anh biết đuổi thì mẹ sẽ xuống theo con chứ không bỏ con giữa đường được, vậy mà vẫn đuổi. Anh cho xe chạy một đoạn thì tôi gọi điện hỏi: "Anh để mẹ con bắt xe bus quay lại nhà hay sao", lúc đó anh mới quay lại đón mẹ con tôi. Tôi nói anh cứ đi tới nhà nội như dự định rồi về giải quyết tiếp vì chuyện còn rất dài. Anh tuyên bố, khi nào anh đi đâu thì con trai không được đi theo, có anh thì không có con trên xe, cho con ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.
Tối đó tôi suy nghĩ và khóc rất nhiều, tiếp tục thuyết phục anh là con chỉ ở hai đến năm năm nữa là rời xa gia đình rồi, vợ chồng còn vài ba năm để ở bên và hỗ trợ con thôi, cố gắng thêm hai năm nữa. Tôi thương chồng và con, nếu thật sự phải chọn thì tôi sẽ chọn con, trong khi con cần cả ba lẫn mẹ. Tôi tâm sự với anh về những giải pháp của mình, trong đó có cả phương án tạm xa nhau. Anh sẽ làm thêm căn nhà, cách nhà hiện tại bốn km, gần trường đứa con gái học, anh cùng con sang ở bên đó. Tôi, con trai và đứa con gái út sẽ ở lại nhà cũ. Sau hai năm, tôi sẽ kiếm cho con trai một trường tư phù hợp, chuẩn bị về mặt tâm lý, các kỹ năng cơ bản cho con vào nội trú. Nếu lúc đó tình cảm vợ chồng còn thì cha con anh quay trở về tiếp tục sống chung, không thì việc gì đến cũng đến chứ tôi không thể bỏ con đi học nội trú lúc này được. Bàn đến đó, cả hai nghẹn ngào không nói tiếp được, chúng tôi vẫn rất cần và yêu thương nhau.
Mấy hôm nay, vợ chồng tiếp tục tranh cãi, mâu thuẫn. Sau những lần cãi vã, tranh luận, thuyết phục, anh thường ôm tôi. Tôi khóc nức nở vì những phương án của mình, thật tình không thể thiếu anh và càng không thể xa con. Tôi không tưởng tượng nổi tại sao lại có người cha cực đoan với con trai mình như vậy. Làm sao để có thể đánh thức tình phụ tử trong anh, để anh có thể cùng tôi hỗ trợ và giúp con trưởng thành?
Ngân
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc