Vợ chồng tôi đang lo trả phần nợ mua nhà. Công việc của tôi ổn định trong cơ quan nhà nước, tranh thủ làm thêm nên thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Chồng cũng có việc ổn định, lương tháng 12 triệu đồng, công việc nhàn, nhiều thời gian rảnh nên anh có thể phụ giúp tôi đưa đón và chăm con. Bố mẹ chồng ở xa. Bố mẹ tôi gần 60 tuổi, ly hôn cách đây năm năm, sau khi tôi đi lấy chồng, căn nhà hai người bán chia đôi và sống dựa vào số tiền đó. Ba tôi sống với người khác, mẹ về ở chung với bà ngoại và dì (dì không lập gia đình).
Sau đó mẹ bị tai nạn, bị mất một chân. Tôi chăm sóc mẹ ở viện hai tháng, sau đó hỏi ý kiến chồng về việc đưa mẹ về sống chung, anh đồng ý. Mặc dù đã gắn chân giả nhưng mẹ đi lại khá khó khăn, phải chống cả hai nạng, không thể phụ giúp được việc gì. Trước khi bị tai nạn, mẹ đã lười vận động, chỉ thích nằm, người lại khá to. Sau thời gian dài nằm điều trị, chân còn lại của mẹ cũng bị yếu, không thể duỗi thẳng. Thời gian mẹ đến ở với chúng tôi đã hơn hai tháng.
Gần đây tôi biết chồng thường chơi bài với các đồng nghiệp tại chỗ làm, anh nhiều thời gian rảnh do ít việc. Tôi gọi bố mẹ chồng nhờ nhắc nhở anh. Không ngờ anh lại nói với bố mẹ chồng là do không muốn chạm mặt với mẹ vợ nên chẳng muốn về nhà, chiều đón con đi học về anh mới về nhà phụ tôi nấu cơm, tắm cho con. Anh còn nói với bố mẹ chồng rằng phải phơi cả quần áo cho mẹ vợ, không thích việc này. Việc phơi quần áo nếu rảnh tôi sẽ làm, những hôm bận đi làm sớm mới nhờ anh làm. Chồng tôi không có nhiều thiện cảm với mẹ vợ. Anh bảo đồng ý cho mẹ đến ở cùng là vì tôi. Tôi nghĩ lý do anh không về nhà để đi chơi bài là do ham vui chứ không hẳn do mẹ vợ.
Trước kia chồng đi làm xa, có nhờ mẹ đến phụ tôi chăm cháu. Mẹ cũng đến phụ nhưng không hết lòng vì con vì cháu, nói những câu khiến tôi đau lòng nên tôi tâm sự lại với chồng. Cụ thể bà nói: "Bà kia giữ cháu được con trả công ba triệu đồng mỗi tháng, còn tao giống như ở đợ, không công cho nhà mày". Mẹ ở chung nhưng lại ăn chay nên bà chỉ nấu ăn cho bà, ba mẹ con tôi tự nấu. Hai bé con khi được sáu tháng đã phải gửi nhà trẻ vì tôi không muốn nhờ đến mẹ, không muốn nghe những lời mắng nhiếc, hơn nữa mẹ cũng không khéo chăm cháu. Sáng tôi đưa hai con đi gửi nhà trẻ rồi đi làm, chiều đón con về nấu cơm, tắm cho con, hầu như mọi việc tôi cố gắng làm hết, không muốn nhờ vả vì nghĩ đến những câu nói của mẹ.
Mẹ phụ tôi việc rửa bát và dọn dẹp nhà. Tính bà ưa sạch sẽ. Buổi tối bà chỉ nằm xem điện thoại rồi ngủ, ít khi chơi với cháu nên cháu cũng không bám bà. Lúc mua nhà chúng tôi không đủ tiền, hỏi mượn 100 triệu đồng nhưng bà không cho mượn, ý muốn cho người ngoài mượn để có tiền lãi. Một mình chăm con vất vả, công việc áp lực, ức chế khi sống gần mẹ nên tôi chuyển nhà đến gần nơi chồng làm, không muốn sống gần mẹ nữa. Mẹ nói đến phụ chăm cháu nhưng cả tuần cháu đi học, bà ở nhà, đến cuối tuần cháu được nghỉ bà lại về bên ngoại chơi bài với các dì, để tôi xoay xở với hai đứa nhỏ một tuổi và bốn tuổi.
Hiện tại mẹ chỉ ăn gạo lứt muối mè, rau luộc (ăn chay) để phòng bệnh nên chúng tôi không phải lo cơm nước gì nhiều cho bà, thi thoảng mua quà bánh cho bà thôi. Mẹ tôi có khoản tiền riêng nên giờ chưa phải nhờ vả con về tài chính. Đi lại khó khăn nên mẹ chỉ ở trong nhà xem tivi, điện thoại. Tính mẹ cũng hiền, với tâm thế đi ở nhờ nhà con rể nên giờ bà không càu nhàu gì nữa.
Đối với mẹ, có lúc tôi cảm thấy thương nhưng có lúc lại thấy lạnh nhạt, cả ngày hai mẹ con có khi không nói với nhau câu nào, cũng không có gì để nói. Trước giờ vốn đã như vậy. Tôi muốn làm tròn trách nhiệm của một người con chứ thật tâm không có nhiều tình cảm với mẹ; sống xa thì thương, sống chung lại thấy nặng nề. Sau khi biết những gì chồng nói với bố mẹ chồng tôi rất buồn, lại càng suy nghĩ nhiều hơn. Tôi không thể để mẹ cho bà ngoại chăm sóc, bà đã ngoài 80 tuổi, dì còn phải đi làm. Hiện tại tôi không biết phải thay đổi cách nghĩ của mình hoặc tác động như thế nào đến chồng để cuộc sống gia đình thoải mái hơn.
Như Ý
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc