![Công an quận Hoàn Kiếm nhắc nhở người dân không ra đường khi không cần thiết. Ảnh: Phạm Dự.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/04/07/IMG-5576-JPG-9692-1586232680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VnjMU4Cv0rvCwOq6JRFtGg)
Công an quận Hoàn Kiếm khuyến cáo người dân không ra đường khi không cần thiết trong Covid-19. Ảnh: Phạm Dự.
- Người đi làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 được pháp luật bảo vệ thế nào?
- Cả nước đang trong đợt cao điểm phòng, chống Covid-19, bởi vậy các hành vi chống đối phải xử lý nghiêm để phòng ngừa chung.
Theo điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi cản trở sự kiểm tra, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng. Mức phạt tăng lên 3 đến 5 triệu đồng khi người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người chống đối sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ, theo điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt tối đa tới 7 năm tù.
Chống đối ở đây được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ. Dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tấn công như đấm, đâm, chém. Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người khác sợ hãi. Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là bôi nhọ, vu khống, đe doạ.
Chẳng hạn, ngày 6/4, Trần Văn Sơn (39 tuổi, tỉnh Hải Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Chống người thi hành công vụ. Trước đó, anh này đã cầm dao truy đuổi chủ tịch phường khi nhắc nhở người dân về phòng, chống Covid-19.
Về thẩm quyền xử lý, công an cấp xã, phường nơi xảy ra vi phạm có quyền xử phạt hành chính. Nếu hành vi chống đối có dấu hiệu phạm tội hình sự thì thuộc thẩm quyền điều tra của công an cấp quận, huyện trở lên.
- Hành vi chống đối nào xảy ra trong Covid-19 sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng?
- Theo điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người chống người thi hành công vụ có một trong các hành vi sau sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng: có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm...
Do đó, việc chống đối người thi hành công vụ trong Covid-19 không phải là tình tiết tăng nặng. Đã chống đối người thi hành công vụ thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ đều bị xử lý.
- Những ngày qua, hành vi chống đối xảy ra liên tục ở nhiều địa phương, nhiều người cho rằng do mức phạt còn nhẹ. Quan điểm của ông thế nào?
- Quy định pháp luật hiện hành về các hành vi vi phạm liên quan chống dịch đã khá rõ ràng. Các chế tài xử phạt hành chính, hình sự đủ nghiêm khắc nên không cần thiết phải tăng mức phạt.
Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm cần phải xem xét trách nhiệm hình sự thì mới đủ tính chất răn đe và phòng ngừa chung. Ví dụ, trường hợp khai báo y tế gian dối có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất 12 năm tù. Hoặc hành vi đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội cần truy cứu về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288, mức phạt tối đa 7 năm tù. Các hành vi trên đang dừng lại ở xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
- Người dân cần làm gì để công tác chống dịch được tốt hơn?
- Người dân cần tự giác thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, chính quyền nơi mình sinh sống, di chuyển đến. Có thể các quy định gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng vì lợi ích chung của toàn xã hội trong đó có lợi ích của mỗi cá nhân nên cần tuân thủ.
Chính phủ đã có lộ trình chống Covid-19 thích hợp nên người dân cần hợp tác để sớm chấm dứt dịch bệnh, trở lại cuộc sống thường nhật.