Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nêu quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn của VnExpress, xung quanh việc tiêu thụ nông sản của tỉnh này.
- Lượng nông sản trên địa bàn cần thu hoạch, tiêu thụ trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 hiện như thế nào, thưa ông?
- Dự kiến, tổng giá trị nông sản vụ này ở Hải Dương khoảng 4.000 tỷ đồng, đã tiêu thụ được 50%.
Đến 3/3, hết thời gian Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần thu hoạch và tiêu thụ hơn 62.000 tấn rau củ các loại. Trong đó, cà rốt khoảng 30.000 tấn, (80% xuất khẩu); hành, tỏi trên 4.000 tấn, chủ yếu để bán tươi và sấy (chiếm 80%); rau các loại 16.000 tấn, củ đậu 5.500 tấn, ổi 2.200 tấn, chuối 4.800 tấn chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Đối với chăn nuôi còn khoảng 20.000 con lợn, sản lượng 2.150 tấn; 2 triệu con gia cầm, sản lượng 5.000 tấn.
Với thủy sản là 3.350 ha ao nuôi và 2.000 lồng cá, sản lượng khoảng 20.000 tấn.
- Nông sản Hải Dương xuất khẩu chủ yếu qua cảng nào và gặp vướng mắc ra sao trong đợt dịch này?
- Hiện nông sản Hải Dương xuất khẩu qua cảng Hải Phòng chủ yếu là cà rốt (chiếm 90%), rau xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn và chuối xuất khẩu sang Lào qua cửa khẩu Nghệ An.
Trước khi có dịch Covid-19 việc lưu thông hàng hóa diễn ra rất thuận lợi. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số tỉnh, thành trong đó có TP Hải Phòng đã đưa ra những biện pháp hạn chế vận chuyển hàng hóa, trong đó có nông sản của Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu.
Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho nông sản Hải Dương, nhất là sản phẩm cà rốt. Công ty Hưng Việt nằm trên địa bàn tỉnh bị đối tác hủy hơn 23 container hàng nông sản xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản vì không thể giao hàng đúng thời hạn, do không thể vận chuyển hàng đến cảng để xuất khẩu.
- Chính phủ chỉ đạo không ngăn sông cấm chợ, vậy ông nói gì về việc hạn chế vận chuyển hàng hóa nêu trên?
- Thủ tướng đã chỉ đạo phòng, chống dịch nhưng phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Tuy nhiên một số địa phương triển khai chưa đúng chỉ đạo trên của Thủ tướng. Việc hạn chế lưu thông hàng hóa không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, mà còn làm gián đoạn quá trình sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương khác, quốc gia khác, gây tác hại trên diện rộng, lâu dài cho nền kinh tế.
Việc hạn chế lưu thông hàng hóa đi qua địa bàn của nhiều địa phương tiếp giáp với Hải Dương trong những ngày vừa qua, chủ yếu do cách hiểu, vận dụng chưa nhất quán tại mỗi tỉnh, thành. Nguyên nhân chính là xuất phát từ nỗi lo dịch bệnh lây lan, nên đã áp dụng nhiều biện pháp hành chính quá mức cần thiết, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh Hải Dương.
Trước thực tế đó, tỉnh Hải Dương đã tích cực trao đổi, có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương; với các tỉnh, thành tiếp giáp để có các biện pháp linh hoạt hơn, như: Kéo dài thêm thời gian chạy xe cho tài xế có xét nghiệm âm tính; các tài xế từ ngoài vùng dịch vào trong vùng dịch nếu tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, áp dụng 5K thì không nhất thiết phải cách ly 14 ngày sau khi trở lại địa phương...
- Hải Phòng mới đây đã cho phép các phương tiện vận tải được đi qua quốc lộ 5, vậy nông sản từ Hải Dương còn gặp vướng mắc gì không?
- Ngày 16/2, Hải Phòng có thông báo dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ Hải Dương. Sau khi có sự trao đổi, đề nghị từ phía tỉnh Hải Dương, đến ngày 18/2, Hải Phòng có điều chỉnh, cho phép phương tiện chở hàng từ Hải Dương vào Hải Phòng nhưng lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 do CDC Hải Dương cấp.
Tuy nhiên, do chưa có văn bản chính thức nên các chốt của Hải Phòng giáp ranh với Hải Dương kiểm soát xe ra, vào có sự khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là hàng nông sản của Hải Dương xuất khẩu qua Cảng quốc tế Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đã có văn bản tiếp tục trao đổi, đề nghị Hải Phòng tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện chở hàng hóa.
Đến nay, với văn bản mới nhất của TP Hải Phòng, cho phép các phương tiện vận tải được đi qua quốc lộ 5, yêu cầu tài xế từ Hải Dương phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19... thì các doanh nghiệp, của Hải Dương đã lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác tỉnh Hải Dương đã bố trí địa điểm và thực hiện xét nghiệm nhanh chóng cho các lái xe; đến nay đã lấy mẫu và xét nghiệp được trên 3.200 tài xế, các kết quả đều âm tính.
- Ngoài vấn đề lưu thông, nông sản Hải Dương còn gặp khó khăn nào khác không thưa ông?
- Những ngày đầu khi toàn tỉnh phải cách ly do dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản phần nào bị ảnh hướng do tâm lý e ngại đi vào vùng dịch của một số thương lái, giá bán một số nông sản cũng đã bị giảm, đã có hiện tượng tồn ứ.
Xác định việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp, đặc biệt là thực hiện tốt khâu kết nối, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến thu mua nông sản của Hải Dương.
Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục tổ chức xét nghiệm Covid-19 và cấp xác nhận âm tính cho các lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa; tiếp tục đề nghị các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành (nhất là các tỉnh, thành giáp ranh) tạo điều kiện hơn nữa trong việc vận chuyển hàng nông sản...
Vừa qua cũng có ý kiến e ngại sử dụng nông sản vùng dịch. Nhưng tôi cho rằng, phần lớn nông sản của Hải Dương đã được sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, một số nông sản còn được sản xuất hữu cơ, chất lượng nông sản luôn được đảm bảo cho tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm cà rốt, rau, vải, nhãn... còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Nhật, Mỹ...
Vì vậy, tỉnh Hải Dương khẳng định, hầu hết nông sản của tỉnh luôn đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Hải Dương có khoảng 105.000 ha đất nông nghiệp. Hàng năm, diện tích gieo cấy lúa là 115.000 ha (hai vụ), sản lượng 690.000 tấn; 42.000 ha diện tích rau, củ với tổng sản lượng 718.000 tấn; diện tích cây ăn quả 22.000 ha, trong đó diện tích cây vải 9.750 ha, sản lượng vải quả khoảng 50.000 tấn.
Tổng đàn lợn năm 2020 là 370.000 con (khi chưa có dịch tả lợn Châu Phi là 580.000 con), tổng đàn gia cầm 15 triệu con; tổng đàn trâu bò 26.500 con. Sản lượng thịt hơi các loại 120.000 tấn; 330 triệu quả trứng gia cầm mỗi năm.
Tổng diện tích ao nuôi thủy sản 11.800 ha và gần 7.000 lồng nuôi trên sông, sản lượng nuôi thủy sản 86.100 tấn.