Bán vé số đến tối mịt, hai vợ chồng mệt lử dắt nhau quay trở về "tổ ấm" của mình. Nơi họ ở là một gian trọ thuê chật hẹp nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, phường 13, Gò Vấp, TP HCM.
Mái ấm của đôi vợ chồng "tí hon". Ảnh: T.T. |
Dưới ánh đèn khi tỏ khi mờ, anh Nguyễn Văn Cúng (47 tuổi, quê Sóc Trăng) kể về cuộc đời mình. Từ nhỏ anh đã bị căn bệnh quái ác xâm lấn khiến toàn thân biến dạng. Đôi chân của anh bây giờ chỉ còn da bọc xương, bị biến dạng và gấp khúc ở từng khớp xương. Mỗi lần di chuyển, người đàn ông sắp bước sang tuổi ngũ tuần phải dùng tay kéo lê cả thân thể mình, mọi sinh hoạt hằng ngày của anh trở nên khó khăn. Lưng anh còn bị gù, xương sườn phía trước nhô ra trông như một “quái nhân”.
“Lúc sinh ra tôi vẫn bình thường, đến khi 5 tuổi mới bị bệnh. Ban đầu ở chân chỉ mọc vài mụt nhọt, toàn thân đau nhức vô cùng, cũng tìm nhiều cách chữa trị nhưng không khỏi. Ba mẹ lo lắng nên đưa tôi đi bệnh viện khám. Bác sĩ bảo phải cưa luôn đôi chân, không thì sau này sẽ bị tàn phế", người đàn ông có chiều cao chưa đầy một mét bộc bạch.
Thương con, cha mẹ anh Cúng không đành lòng để bác sĩ cưa chân mà quyết định đưa con về nhà và tìm cách khác chữa trị. Sau nhiều lần dò hỏi nhiều người, mẹ anh tìm tới một ông thầy thuốc Nam để lấy thuốc chữa trị cho con. Từ đó hàng ngày bà bốc thuốc về cho con uống.
Một năm sau, cả gia đình vui mừng khi những mụt nhọt ở chân anh Cúng đã hoàn toàn biến mất. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, ở lưng anh xuất hiện khối u lớn.
"Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để tiếp tục chạy chữa, khối u ở lưng càng nhô lên bao nhiêu thì đôi chân của tôi bắt đầu teo lại, toàn bộ xương sườn trước ngực khom xuống theo chiều cong của khối u ở lưng. Từ đó đến nay tôi luôn phải sống với thân thể đau nhức, những lúc trái gió trở trời gần như tê liệt không làm được gì nữa”, anh Cúng kể.
Người thanh niên ngày ấy dù bệnh vẫn mong được đi làm để kiếm tiền sống tự lập, không phải ăn bám cha mẹ. Năm 2001 anh quyết định rời vùng quê miền Tây lên TP HCM với hy vọng tìm được công việc để làm. Tuy nhiên với cơ thể tật nguyền lại "lùn tẹt" như thế, anh không thể tìm được việc gì khác ở chốn thành thị ngoài việc đi bán vé số mưu sinh.
Một người bạn hướng dẫn anh cách "làm ăn" lấy vé số và bán. Ngày nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, anh Cúng đều lặn lội đến từng ngõ ngách Sài Gòn để "bán sự may mắn" cho người khác. Cuộc sống cơ cực cứ thế trôi qua cho đến ngày anh gặp được chị Thơm, người mà sau này trở thành mẹ của các con anh.
Nghe đến đây, chị Vũ Thị Thơm (40 tuổi) tủm tỉm cười rồi quay sang nhìn chồng. Người phụ nữ quê ở Hà Nam cho biết toàn cơ thể chị cao vỏn vẹn chừng một mét, từ nhỏ làm gì cũng khó khăn. Ở quê chẳng làm được gì nên chị quyết định vào TP HCM để tìm việc. Rồi chị cũng chọn cái nghề đi bán vé số bởi với cơ thể lùn như chị cũng khó để tìm một công việc nào khác.
Hàng ngày chị Thơm cùng chồng đi khắp nơi bán vé số mưu sinh. Ảnh: T.T. |
Bốn năm rong ruổi đi khắp các con đường lòng thành phố để mưu sinh, một ngày anh Cúng tình cờ gặp chị Thơm khi cả hai đang mời khách mua vé số.
“Cơ thể tật nguyền, sống cô đơn một mình nên mỗi lần gặp những người đồng cảnh ngộ tôi đều hỏi han, làm quen. Lần ấy cũng vậy, gặp Thơm tôi cũng hỏi thăm, bắt chuyện và chúng tôi có một sự đồng cảm đặc biệt. Từ đó chúng tôi thường hay đi bán vé số chung, dần dần thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau, cùng chung khốn khó. Cuối cùng chúng tôi quyết định kết duyên với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn thường ngày”, anh cười nhớ lại.
Hai con người đồng cảnh ngộ: một người bệnh tật hoành hành suốt năm và một người cơ thể hạn chế, đến với nhau như một sự “đồng cam cộng khổ”, hỗ trợ, giúp đỡ và nương tựa lẫn nhau. Họ cùng xây nên mái ấm vẫn được mọi người quen biết ví von là ngôi nhà của những "chú lùn", như trong một truyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết và những chú lùn tốt bụng.
Một đám cưới nho nhỏ được hai vợ chồng tổ chức giản dị rồi họ dắt nhau về sống dưới mái nhà là căn gác nhỏ ở khu vực vốn dành cho người lao động nhập cư. Cuộc sống còn rất nhiều bộn bề và vất vả nhưng vợ chồng anh Cúng thường bảo nhau "có rau ăn rau có cháo ăn cháo, chỉ cần được sống với nhau là hạnh phúc rồi". Họ bỏ lại những lo toan, tủi cực sau lưng để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn phía trước.
Hàng ngày, vợ chồng anh chị vẫn đèo nhau trên chiếc xe dành cho người khuyết tật để bán vé số mưu sinh trên mọi hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn. Thường anh chị bắt đầu đi bán vé số từ 6h sáng đến 12h trưa thì về nghỉ ngơi, đến 5h chiều lại đi tiếp cho tới 0h mới về.
“Buổi sáng bán được ít nên chủ yến chúng tôi đi bán vào buổi tối, lúc đó mới có nhiều người mua. Hai vợ chồng chỉ mỗi có công việc bán vé số, ngoài ra không còn khả năng làm được việc gì khác. Bởi vậy cần phải đi bán được thật nhiều mới có đủ tiền chi trả cho cuộc sống thường ngày”, chị Thơm góp chuyện.
Thế rồi ít năm sau anh chị vui mừng chào đón đứa con đầu tiên chào đời, cùng với đó là bao lo âu khi cuộc sống vốn đã khó khăn, giờ lại thêm một miệng ăn, rồi lại phải lo ai ở nhà trông con và chuyện học hành của đứa trẻ... “ Còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để nuôi nấng con nên người”, người mẹ trẻ nói.
Để có tiền lo cho con, anh chị động viên nhau "tăng ca" dành trọn thời gian từ sáng đến tối để đi bán vé số, còn con thì nhờ một người sống chung xóm trọ trông dùm. Anh Cúng cho biết, số tiền lời bán vé số hằng ngày hơn 100.000 đồng hai vợ chồng kiếm được chỉ đủ chi tiêu còn những khoản khác thì phải nhờ cậy chỗ này chỗ kia.
Mới đây trong gian trọ chật chội, đứa con thứ hai của anh chị cũng chào đời. Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng "tí hon" là hai đứa trẻ sinh ra đều khôi ngô, tuấn tú và cơ thể phát triển bình thường, không mang dị tật như cha mẹ. Mặc dù vậy, điều mà anh chị lo lắng bây giờ là "làm sao có thể lo cho hai đứa con ăn học đàng hoàng để cuộc sống của chúng sau này không phải vất vả lầm lũi như cha mẹ nó".
Thi Trân