Pháp luật không cho phép cầm cố sổ đỏ hay cầm cố quyền sử dụng đất để vay tiền.
Điều 309 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định: cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, đối tượng cầm cố phải là tài sản và phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.
Khoản 16 Điều 13 Luật đất đai 2013 quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) là chứng thư pháp lý Nhà nước xác nhận các quyền hợp pháp (trên) cho người đứng tên trên giấy này. Còn tài sản thực sự mà chủ sử dụng có thể giao dịch là quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cụ thể trong trường hợp này là trả nợ, chỉ có thể áp dụng đối với tài sản là quyền sử dụng đất, chứ không thể áp dụng đối với sổ đỏ.
Quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013, gồm: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
Như vậy, trong các quyền mà pháp luật quy định đối với người sử dụng đất không có quyền cầm cố. Bởi lẽ đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân chứ không riêng một cá nhân tổ chức nào - Điều 53 Hiến pháp 2013; còn cầm cố là biện pháp bảo đảm chỉ áp dụng đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố.
Câu 2: Chồng có nghĩa vụ trả nợ thay vợ.