Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, viện trưởng một viện thẩm mỹ tại TP HCM cho biết túi ngực đặt khi phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực hiện có nhiều dung tích, ví dụ 225 ml, 250, 275, 300, 350, 400, 500 ml...
Nhiều trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ có các phương tiện giúp khách hàng "gắn thử" túi ngực trước khi đặt, ví dụ ngực giả bằng silicone và dụng cụ tính toán để lựa chọn cỡ túi.
Để đặt túi ngực an toàn và thẩm mỹ, nên chọn size vừa với ngực của mình. Nếu size to quá sẽ khiến ngực chịu áp lực nặng nề, gây chèn ép lồng ngực. Người sử dụng có thể bị mệt mỏi, khó khăn trong điều kiện áp suất cao như ngồi nhiều, leo núi hoặc đi máy bay.
"Người cao to không nên đặt loại túi quá nhỏ, ngược lại người thấp bé nên chọn những loại túi nhỏ để nhìn được tự nhiên, cân đối. Bên cạnh đó, việc chọn túi ngực ngoài yếu tố chiều cao bác sĩ chuyên khoa sẽ tính toán dựa vào cân nặng, khổ người và bề rộng của vai...", bác sĩ Hà nói.
Trước khi nâng ngực, bạn nên kiểm tra để đảm bảo túi ngực mình nâng là loại chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về độ an toàn gồm gel bên trong và vỏ túi bên ngoài. Phẫu thuật nâng ngực cần được thực hiện tại bệnh viện hay các trung tâm thẩm mỹ uy tín được Bộ Y tế cấp phép hoạt động.
Dựa vào thành phần cấu tạo, bề mặt vỏ và hình dạng túi mà chia ra nhiều loại túi ngực đáp ứng đa dạng nhu cầu nâng ngực của mỗi người. Cụ thể:
Thành phần cấu tạo
- Túi nước muối: Loại túi này có cấu tạo là một lớp vỏ silicone bên trong trống rỗng kèm một van nhỏ. Khi túi được đặt vào khoang ngực, bác sĩ sẽ bơm một lượng nước muối sinh lý vào bên trong túi đến khi đạt dung tích định sẵn.
Ưu điểm của loại túi này là vết rạch phẫu thuật nhỏ. Nếu nước muối rò rỉ khỏi túi ngực không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, chúng không được mềm mại, thường gây nếp lằn trên da ngực và dễ vỡ.
- Túi gel silicone: Lớp vỏ và bên trong của loại túi đều chứa chất silicon có tính kết dính cao, định hình tốt nên mang lại độ mềm mại tự nhiên như mô ngực thật. Đồng thời, túi gel có độ dẻo dai và đàn hồi nên rất hiếm các trường hợp bị vỡ túi. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 0,3% tỷ lệ vỡ túi sau 5 đến 9 năm, dù túi bị vỡ thì silicone vẫn không rò rỉ ra ngoài mô ngực.
Bề mặt vỏ
- Túi trơn: Quá trình đặt túi không quá phức tạp, cũng như chi phí thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp đặt túi dưới tuyến sẽ dễ bị dịch chuyển trong khoang đặt túi.
- Túi nhám: Bề mặt giúp làm tăng độ bám dính của túi vào mô ngực, cải thiện tình trạng dịch chuyển túi trong khoang ngực. Độ bám dính cao nhưng vẫn có thể xảy ra hiện tượng co thắt bao xơ nếu vô trùng không tốt.
- Túi xốp: Đây là loại túi mới ra đời vài năm gần đây, được cải tiến với lớp phủ bên ngoài là Polyurethane giúp bám dính tốt và mềm mại hơn. Ngoài ra, túi còn có tính năng hút dịch trong khoang đặt túi, khách hàng sau nâng ngực không cần đặt ống dẫn lưu.
Hình dạng
- Túi tròn: Thích hợp với người có nhiều mô ngực. Khi đặt vào khoang ngực, dù nằm hay đứng thì chúng chỉ giữ nguyên dạng mô tròn.
- Túi giọt nước: Có cấu tạo giống với túi tròn nhưng thiết kế theo hình giọt nước. Phía trên được thiết kế nhỏ hơn và phình to dần ở phía dưới. Túi thích hợp với người có ít mô ngực (ngực quá nhỏ), có ưu điểm tạo hình dáng ngực tự nhiên.
- Túi linh hoạt: Túi có dáng thiết kế giống mô ngực thật. Khi người đặt túi nằm thì ngực có hình tròn, khi đứng có hình giọt nước tạo độ mềm mại, tự nhiên.
Bác sĩ Hà cho biết thêm, túi ngực được đặt vào dưới cơ ngực lớn hoặc dưới tuyến sữa. Vị trí đặt túi tùy thuộc vào sự quyến định của bác sĩ dựa trên tình trạng thực tế của ngực. Có ba vị trí đường mổ để đưa túi ngực vào trong bao gồm đường nách, đường quầng vú và đường dưới nếp vú. Trong một số trường hợp có thể rạch đường rốn.
Túi độn ngực không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, mang thai hoặc cho con bú. Các tai biến có thể xảy ra là chảy máu quá nhiều sau phẫu thuật, sưng nề, đau đớn; nhiễm trùng xung quanh túi độn; túi ngực bị vỡ hoặc rò rỉ do chấn thương, do áp lực thông thường hoặc sự di chuyển của vú và túi.