Tháng 3, 4 là khoảng thời gian quan trọng với những học sinh nộp hồ sơ du học Mỹ, bởi đây là lúc các trường thông báo kết quả có chấp nhận bộ hồ sơ của bạn hay không; cũng là thời khắc bạn phải đưa ra lựa chọn của riêng mình. Nếu như học sinh Mỹ được trực tiếp đến thăm trường để cảm nhận đâu là nơi phù hợp thì các bạn Việt Nam có phần thiệt thòi hơn khi mọi thông tin đến từ Internet và ý kiến chủ quan của các sinh viên đang theo học trong trường. Bên cạnh yếu tố tài chính, việc lựa chọn trường hay ngành học là đắn đo của không ít bạn trẻ sau khi nhận được thư chúc mừng trúng tuyển.
Nguyễn Quang Thông, nghiên cứu sinh ngành Vật lý, Đại học California Institute of Technology (Mỹ). Ảnh: NVCC. |
Sự tác động của các bảng xếp hạng đại học
Với phần lớn sinh viên Mỹ, bảng xếp hạng trường đại học của tạp chí U.S.News được xem là có sức ảnh hưởng lớn nhất. Tuy vậy, bảng xếp hạng này nhận được không ít chỉ trích từ các chuyên gia giáo dục.
U.S.News sử dụng một số tiêu chí để chấm điểm trường đại học như: tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong vòng 6 năm, tỷ lệ chọi đầu vào, điểm trung bình các bài thi chuẩn hóa của sinh viên... Mỗi tiêu chí được gắn với một tỷ lệ trong công thức để tính điểm số cuối cùng. Chẳng hạn, nguồn tài chính của trường được tính 20%, tỷ lệ tốt nghiệp được tính 22,5% trên tổng số điểm.
Công thức này được xác định rất ngẫu nhiên và theo nhiều chuyên gia không thực sự phản ánh chất lượng giáo dục. Nicholas Thompson, một nhà báo của tờ Washington Monthly, cho rằng các tỷ lệ trong công thức được điều chỉnh để đảm bảo 3 trường Harvard, Princeton và Yale luôn đứng đầu, khiến bảng xếp hạng trông uy tín hơn. Gerhard Casper, nguyên hiệu trưởng Đại học Stanford, từng gửi thư trực tiếp tới tổng biên tập của U.S.News kêu gọi dừng lại việc xếp hạng dựa trên những công thức ngớ ngẩn và số liệu chủ quan.
Trên thực tế, thành công và mức thu nhập trong tương lai không phụ thuộc nhiều vào bảng xếp hạng. Danh tiếng của trường có thể giúp hồ sơ của bạn lọt vào vòng phỏng vấn, nhưng sau đó mọi thứ phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và khả năng bản thân. Trên phương diện học thuật, các trường danh tiếng thường có đội ngũ giáo sư là những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu không phải lúc nào cũng tương đương với khả năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức. Nói cách khác, những giảng viên tốt nhất không tập trung ở những đại học hàng đầu mà phân bố ngẫu nhiên ở các trường bất kể thứ hạng.
Sự tác động của niềm đam mê trong chọn ngành/trường
Hội đồng tuyền sinh các trường đại học Mỹ thường đánh giá cao "passion", tạm dịch là niềm đam mê. Một ứng viên tốt được kỳ vọng có niềm đam mê sâu sắc với điều gì đó trong cuộc sống để có thể nổi bật giữa vô vàn hồ sơ. Đôi khi niềm đam mê bị nhào nặn gò ép với những sở thích ngắn hạn, hay trở thành một áp lực vô hình khiến không ít học sinh tự ti và lo sợ vì không tìm ra niềm đam mê của bản thân.
Thực tế, không phải bạn trẻ 18 tuổi nào cũng biết được mình muốn làm gì trong tương lai. Điều này hoàn toàn bình thường. Thậm chí với nhiều người, niềm đam mê chỉ trở nên rõ ràng khi đã ngoài 30 tuổi. Khi không còn bị sức ép về tài chính, họ mới có thời gian ngồi tĩnh tâm để nhìn sâu hơn về bản thân và những giá trị lớn hơn tiền bạc. Ép bản thân phải có một niềm đam mê khi nó chưa thực sự đến, vô hình chung là vứt bỏ cả một quá trình trải nghiệm đẹp và đầy trân quý.
Phần lớn các trường đại học Mỹ không yêu cầu bạn phải chọn ngành học trong 2 năm đầu tiên. Vì thế, các du học sinh hãy tiếp cận khoảng thời gian này với trí óc của một đứa trẻ: để sự tò mò và trí tưởng tượng thôi thúc niềm đam mê khám phá. Nếu may mắn, bạn sẽ tìm thấy một môn học mà càng nghĩ hay đọc về nó, bạn càng thấy hưng phấn. Còn nếu không, cuộc đời vẫn chưa kết thúc. Nhà vật lý đạt giải Nobel Richard Feynman từng nói: "Không ai tìm ra tất cả ý nghĩa của cuộc sống này, và điều đó cũng chẳng quan trọng. Hãy cứ khám phá thế giới. Gần như tất cả mọi thứ đều thú vị nếu bạn hiểu về nó đủ sâu".
Một người bạn của tôi, khi sang Mỹ du học đã chọn ngành Văn để theo đuổi. 2 năm sau, cô ấy chuyển sang làm kỹ sư. Bản thân tôi, lúc mới đầu chọn làm sinh viên Kỹ thuật máy tính, nhưng sau một học kỳ, tôi tìm được đam mê riêng của mình là Vật lý rồi chuyển ngành. Cho đến bây giờ, sau hơn 5 năm thay đổi, tôi vẫn hạnh phúc với lựa chọn này.
Lời kết
Sự tự ti về thứ hạng trường hay áp lực đi tìm đam mê là những rào cản nhiều du học sinh mắc phải trên hành trình 4 năm đại học đầy cơ hội và cạnh tranh. Lựa chọn môi trường phù hợp cùng với chuẩn bị một tâm lí thoải mái là yếu tố tiên quyết để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm du học - một quá trình khám phá cả về tri thức nhân loại lẫn tương giao giữa các nền văn hóa, để từ đó hiểu thêm về bản thân và những giá trị cội nguồn.
Nguyễn Quang Thông
Nghiên cứu sinh ngành Vật lý
Đại học California Institue of Technology, Mỹ