Tổng thống đắc cử Trump hôm qua đã thông báo sẽ trao chức vụ này cho Rex Tillerson khi ông nhậm chức. Tillerson, 64 tuổi, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Exxon Mobil, là người giám sát hoạt động kinh doanh của tập đoàn dầu khí này tại hơn 50 quốc gia, trong đó có Nga.
"Khá rõ là cả ông Trump và ông Tillerson đều coi Trung Quốc, không phải Nga, là đối thủ chiến lược chính của Mỹ trên thế giới", Phó giáo sư Matthew Wilson, Đại học Southern Methodist, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Trong các phát biểu trước đây của ông Donald Trump, Trung Quốc không chỉ hiện lên là một địa điểm "khiến Mỹ mất việc làm" mà còn là nơi đánh thuế cao với doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống đắc cử Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh "thao túng tiền tệ", hạ giá đồng tiền Nhân dân tệ của họ, gây thiệt hại cho Washington.
Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ tương lai được đánh giá có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Nga. Ông Tillerson đã mở rộng hoạt động của tập đoàn Exxon Mobil tại Nga suốt hàng chục năm qua và là người phản đối các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ. Ông còn là bạn của Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Rosneft đồng thời là cựu phó thủ tướng Nga. Ông cũng nhận huân chương hữu nghị Liên bang Nga từ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013.
Cây bút Tom Phillips từ Guardian cho rằng việc chọn Rex Tillerson làm ngoại trưởng có thể là tin tốt đối với Nga, nhưng với Trung Quốc thì ngược lại. Donald Trump dường như muốn lôi kéo Kremlin để cô lập Bắc Kinh. Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Bắc Kinh và Moscow trở nên nồng ấm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 2013, với khẳng định hai nước là "bạn bè mãi mãi".
"Tôi nghĩ đó là ý định của Trump", muốn "chia tách" Nga và Trung Quốc, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị Đại học Baptist, Hong Kong, cho biết trên Guardian. Ông cũng nhận định Trump muốn "thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách lôi kéo Nga xa khỏi vòng tay của nước này".
"Rex biết cách quản lý một doanh nghiệp toàn cầu, điều quan trọng để vận hành thành công Bộ Ngoại giao, và những mối quan hệ của ông ấy với các lãnh đạo trên thế giới là không ai bằng", Trump ca ngợi ông Tillerson.
Phó giáo sư Wilson đánh giá ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson khác hẳn hầu hết các ngoại trưởng Mỹ trước đây, những người có xu hướng am hiểu về chính phủ, học thuật hoặc quân đội. Vì thế có thể "ông trùm dầu mỏ" sẽ đưa một viễn cảnh kinh doanh toàn cầu mạnh mẽ vào chính sách ngoại giao của Mỹ.
"Việc lựa chọn ông Tillerson của ông Trump báo hiệu ý định của tổng thống đắc cử rằng ông sẽ áp dụng thấu kính kinh tế mạnh mẽ với chính sách ngoại giao của Mỹ. Có thể ông Trump sẽ muốn tập trung vào ngoại giao dựa trên đàm phán và đôi khi là tái đàm phán với quan hệ kinh tế của Mỹ với những nước khác trên thế giới", ông Wilson dự đoán.
Donald Trump ngay từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống đã thể hiện rõ xu hướng chính sách coi trọng lợi ích của Mỹ. Ông nhiều lần chỉ trích chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama vì để người lao động "mất việc làm" vào các nước đối tác và cam kết sẽ đưa việc làm trở lại cho người dân Mỹ khi trở thành tân tổng thống.
Tỏ ra thận trọng hơn, bà Elizabeth Saunders, Phó giáo sư tại Đại học George Washington cho rằng hiện vẫn chưa biết ông Donald Trump sẽ triển khai chính sách ngoại giao như thế nào, vì vậy chưa biết tầm ảnh hưởng của ông Tillerson. Với châu Á, hiện cũng còn quá ít dấu hiệu để dự đoán.
Về thái độ của chính quyền Mỹ mới với châu Á, chuyên gia Wilson của Đại học Southern Methodist nhấn mạnh bất kỳ một ngoại trưởng Mỹ nào trong thế kỷ 21 đều chắc chắn quan tâm đến khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải dành rất nhiều thời gian để tập trung vào nhiều vấn đề gắn liền tới vành đai Thái Bình Dương, đó là ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Theo ông Wilson, là người đứng đầu ExxonMobil, ông Tillerson giám sát và quản lý những lợi ích đáng kể trên khắp thế giới và châu Á chắc chắn là một phần lớn trong đó. Thêm nữa, kinh nghiệm sâu rộng của ông về Nga cũng có thể giúp đưa ra tầm nhìn trải khắp châu Âu và châu Á.
"Kết quả là chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi Mỹ gia tăng tập trung về an ninh với vùng Viễn Đông, đồng thời tăng cường xây dựng quan hệ với các nước châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Chúng ta đã thấy một số dấu hiệu với Nhật Bản và Đài Loan ", ông Wilson nói.
Việt Anh