Ở Ninh Hiệp, xe đạp là phương tiện chính đề gùi vải về kho. |
"Mua vải đi cô, vải xịn, hàng kiện của Nhật, Hàn Quốc đây. 40 nghìn đồng một cân, mua mảnh thì hai mươi nghìn một mét" - cô bé bán hàng chừng 8 tuổi ngồi lọt thỏm trong đống vải cao ngất ngưởng ở một góc chợ, lanh lảnh chào mời. Chưa ở đâu, vải của Trung Quốc lại có cơ hội được trưng bày nhiều đến thế. Vải mảnh, vải cây, xanh đỏ tím vàng được chất đến ngút trần nhà, tràn cả ra sân. Người bán, người mua đều tay xách nách mang, chen lấn xô đẩy như đang bị hoa mắt vì... vải.
Ở chợ Ninh Hiệp, giá bán vải rẻ như... bèo, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 giá tại chợ nội thành Hà Nội. Thậm chí nhiều cửa hàng, người ta bán vải theo ký, vượt cân lên đến 4-5 lạng cũng không thành vấn đề. Giá bán lẻ 1 m vải chun lạnh khoảng 8.000-12.000 đồng, vải bò 12.000-14.000 đồng, loại vải đắt nhất cũng chỉ dừng lại ở 50.000 đồng dù có thể chủ hàng nói thách gấp hai, gấp rưỡi. Mua theo cân thì 20.000-50.000 đồng/kg. Một bà chủ sạp vải chừng 45 tuổi giải thích: "Sở dĩ vải ở đây rẻ là do lấy được tận gốc từ Trung Quốc, qua đến Việt Nam không thuế, không má. Thỉnh thoảng có lô hàng giá nhỉnh lên đôi chút là vì tốn tiền... làm luật".
Khách đến mua vải có đủ loại. Phần nhiều là dân buôn từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, đổ về lấy hàng theo kiện, chất lên cả xe ôtô. Người mua lẻ thường là dân ở Hà Nội, Đông Anh, Gia Lâm. Nói là mua lẻ, nhưng mỗi người cũng phải xách về mấy túi.
Bận rộn với việc... tính tiền buôn vải. |
Hơn 300 cửa hàng bán vải ở làng Lành hầu hết là của dân xã Ninh Hiệp. Người vốn ít (cỡ vài chục triệu) thì chỉ cần một khoảnh đất nhỏ 1-2 m2 bên vệ đường, người có trong tay trăm triệu đổ lên thì có cửa hàng đàng hoàng. Nhà nào được coi là nghèo trong làng cũng phải có một sạp vải, còn lại nhiều gia đình có tới 5-6 cửa hàng to, nhỏ nằm trong chợ. Tuấn, một cậu bé ngồi tại sạp vải cuối chợ kể, hầu hết trẻ con trong làng này, nếu không học hành được đều đi bán vải. Từ ông bà đến bố mẹ, chú dì của chúng bận rộn chuyện buôn bán, đánh hàng, lựa vải, phân loại, tính tiền... suốt ngày, vì tất cả thu nhập đều trông vào buôn vải.
Ở làng Lành, 6 cai vải có tên đặt theo cặp vợ chồng như Thủy - Dậu, Liên - Hà.... Đây là những tay trùm có tiền tỷ và họ chính là nguồn cung cấp hàng cho cả chợ vải làng Lành. Hơn thế, họ có cả một mạng lưới cửa hàng tiêu thụ tại Đồng Xuân, Phùng Khắc Hoan, chợ Hôm, Ngã Tư Sở. Do vậy, mua vải ở Đồng Xuân, Phùng Khắc Hoan cũng giống như ở Ninh Hiệp, chỉ có điều ở đây giá rẻ hơn nhiều.
Ngập tràn vải Trung Quốc |
Vải được các trùm nhập về qua nhiều con đường khác nhau, song chủ yếu là từ Trung Quốc. Hàng được phân làm hai loại, cấp 1 (vải Bắc Kinh) thường lấy từ Móng Cái. Họ đánh thẳng xe con ra cửa khẩu lấy hàng rồi đưa về Ninh Hiệp. Hàng cấp 2 (loại nội địa của Trung Quốc, rẻ tiền hơn) thường được chuyển qua đường Lạng Sơn, và đưa về Hà Nội theo đường ôtô hoặc đường sắt, tùy từng thời điểm. "Vải có thể xuống ngon lành ở ga Yên Viên, nếu như không bị chặn, nhưng lắm khi phải dừng lại ở những ga trước. Điểm dừng luôn được thay đổi linh hoạt. Khi đường sắt bị soi chặt thì chuyển sang đường bộ. Hầu hết là hàng trốn thuế!" - một tay buôn vải tiết lộ.
Để qua mặt một mạng lưới quản lý thị trường, công an kinh tế dọc từ cửa khẩu Móng Cái và Lạng Sơn về đến Hà Nội, những tay trùm vải có nhiều cách "xoay" và nhờ vậy, Ninh Hiệp trở thành một trung tâm cung cấp vải Trung Quốc từ hàng chục năm nay. "Chẳng sợ gì cả, kiểm tra thì cứ kiểm tra, mà lậu thì vẫn cứ lậu. Khi nào người tiêu dùng hết nhu cầu dùng vải che thân thì lúc đó chẳng ai buôn vải lậu làm gì" - một tay buôn vải khác cười hỉ hả khi được hỏi về cuộc tổng kiểm tra mặt hàng vải sắp tới của cơ quan quản lý thị trường.
Ngày 1/9 tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành tổng kiểm tra mặt hàng vải trên toàn quốc. Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Lê Thế Bảo cho biết, đợt tổng kiểm tra này sẽ không làm tràn lan, mà qua theo dõi, cửa hàng nào có vi phạm mới kiểm tra. Đến hôm nay (tức là chỉ còn 5 ngày nữa đến cuộc tổng kiểm tra), theo ghi nhận của phóng viên VnExpress, các sạp vải tại một số chợ lớn ở Hà Nội, chủ hàng vẫn tỏ ra... bình chân như vại. Tại chợ Hôm, chị Tâm, chủ một sạp vải cho biết: “Kiểm tra cũng thế thôi. Hàng nhập ngoại chúng tôi đã đóng thuế, giờ kiểm tra lấy lệ chứ đâu lại vào đấy, hàng lậu vẫn đầy thị trường. Chuyện đến hẹn lại lên ấy mà". Một chủ hàng tại chợ vải Phùng Khắc Khoan cũng than phiền: “Suốt ngày kiểm tra, mấy ông phải để cho người ta làm ăn với chứ. Việc ai người ấy làm, nếu có sai người ta cũng có cách tìm bảo kê chạy ổn thỏa”. Một chủ quầy vải chợ Đồng Xuân bức xúc: “Mỗi lần kiểm tra là bắt buộc các hộ ký cam kết không kinh doanh hàng lậu. Nhưng quản lý thị trường có đảm bảo không để hàng lậu tràn vào chợ không? Chúng tôi mà làm đúng như cam kết chỉ có... thiệt”. Trong khi đó, người tiêu dùng lại lo lắng việc kiểm tra sẽ làm giá vải tăng. Một chủ sạp vải ở Bắc Ninh, đang cất hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Cứ mỗi đợt có thông tin về kiểm tra, hàng lại lên giá 3-5.000 đồng/m, chẳng biết các ông quản lý thị trường có bắt hết được vải lậu không hay, chỉ có người tiêu dùng là thiệt thôi”. |
Bình Yên - Phong Lan
Ảnh: Nghĩa Nhân