Tại tọa đàm về các quy định bảo vệ trẻ em trên ôtô ngày 15/11, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định đảm bảo an toàn cho trẻ ngồi trên ôtô. Theo đó, trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ôtô chỉ có một hàng ghế); người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Quy định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.
Bộ Công an đã soạn thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, trong đó quy định người chở trẻ em trên ôtô không có thiết bị an toàn có thể bị phạt 0,8-1 triệu đồng.
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết quy định chở trẻ em trên xe phải có thiết bị an toàn có thể áp dụng theo lộ trình. Trước tiên là bắt buộc đối với xe cá nhân vì có tốc độ lưu thông cao nhất trong các loại xe, trên cao tốc có thể đạt 120 km/h, nên nguy cơ và hậu quả khi va chạm cao hơn các loại xe khác. Sau đó quy định này sẽ áp dụng với xe kinh doanh vận tải như taxi, xe khách, xe hợp đồng...
Theo ông Minh, một số người cho rằng ôm trẻ em trong lòng khi ngồi trên xe sẽ an toàn. Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm cho thấy xe chạy 30 km/h, trẻ nặng 10 kg thì khi va chạm có lực quán tính đạt 150 kg, tốc độ xe càng cao thì lực càng cao, nghĩa là người lớn không thể giữ được, chỉ có thiết bị mới đảm bảo an toàn cho trẻ.
Kinh nghiệm thế giới là các xe kinh doanh vận tải như taxi, xe hợp đồng, xe khách sẽ phải đầu tư, mua sắm thiết bị an toàn cho trẻ em và người dân sẽ không phải mang thiết bị này khi đi xe.
Ông Minh nói ôtô mới có giá trung bình 500-700 triệu đồng, một ghế an toàn có giá 1,5-2 triệu đồng. Chi phí mua sắm thiết bị an toàn cho trẻ trên ôtô chỉ chiếm 0,3 đến dưới 1% giá trị của chiếc xe, phù hợp khả năng chi trả của người đi ôtô.
Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn trên xe hiện ở mức thấp
Thạc sĩ Dương Kim Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng), dẫn khảo sát cho thấy các thành phố lớn như Hà Nội chỉ 2,6% số xe, TP HCM 1,1% có thiết bị an toàn cho trẻ.
Trong khi đó, sở hữu ôtô ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu ôtô con là 113,7% mỗi năm giai đoạn 2014-2018 và tỷ lệ sở hữu là 60 xe/1.000 dân vào năm 2018. Xu hướng sở hữu ôtô ở ngoài thành phố và nhu cầu di chuyển quãng đường xa của các gia đình có trẻ em là các yếu tố khiến nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến ôtô có xu hướng tăng.
Thống kê cũng cho thấy có 22,8% xe có trẻ em ngồi một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Theo ông Tuấn, trẻ em không nên ngồi phía trước do vị trí này chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí. Ngoài ra, trẻ thường hiếu động, tò mò, gây mất tập trung cho người lái và không có thiết bị an toàn cho trẻ ở ghế phía trước trong thiết kế xe.
Một số quốc gia có thu nhập cao đã quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi. Ở Mỹ, luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ từ những năm 1980. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 4 tuổi giảm 45% từ năm 1975 đến 2017.
Tại Canada, luật bắt buộc từ năm 1976, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 9 tuổi giảm 60% trong giai đoạn 1979-2006. Australia bắt buộc từ năm 1971, tỷ lệ tử vong của trẻ giảm 80% trong giai đoạn 1970-2010. Tại Thụy Điển, luật bắt buộc từ năm 1975, tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm 90% trong giai đoạn 1970-2010.
Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm một số loại như ghế nôi dành cho trẻ dưới 1 tuổi, cân nặng dưới 13 kg; ghế dành cho trẻ từ 1 đến 4 tuổi; ghế nâng và dây an toàn dành cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi; đệm nâng và dây an toàn cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi, cân nặng từ 22 đến 36 kg.