Sau bài viết 5 ảnh hưởng tiêu cực khi để ông bà chăm cháu quá nhiều, nhiều độc giả chia sẻ:
Mỗi lần con tôi có kỳ nghỉ về thăm ông bà là tôi rất khó xử. Cháu được ông bà bồi bổ toàn món ngon, cứ ăn xong là xem TV. Nếu tôi can ngăn thì con tôi nói ông bà là bố mẹ của mẹ đó, sao mẹ không nghe lời. Còn ông bà thì giận, cho rằng tôi cấm cản ông bà thương cháu.
Khi chia tay tạm biệt, bà còn lén dúi tiền vào tay cháu để cháu muốn mua gì thì mua... Tất cả chỉ vì ông bà thương yêu cháu quá mà thôi. Vì mỗi năm ông bà chỉ gặp cháu có một lần nên tôi cũng không nỡ để ông bà buồn. Thôi thì tôi đành chấp nhận rồi rèn con giảm béo, vận động...chứ biết sao.
Dù chưa có con nhưng tôi thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ nên hiểu. Trẻ đi học dễ bảo nhưng biết phân biệt đúng sai và biết tự bảo vệ bản thân. Trẻ nhà với ông bà thường được nuông chiều nên rất khó bảo, sẵn sàng khóc lóc, gào thét thậm chí đánh trả lại ba mẹ nếu chúng không được vừa ý.
Tôi nghĩ khi con đến độ tuổi nào đó, khoảng 1,5-2 tuổi, có thể cho đi học được rồi. Trước khi đi học nên chuẩn bị cho con một vài kĩ năng tự chăm sóc như tự xúc cơm ăn, biết mang dép mang quần áo, biết kêu khi muốn đi vệ sinh. Như vậy con và các cô sẽ thoải mái hơn khi đi học. Ông bà sống chung có thể giúp đưa đón các cháu đi học và chăm sóc khi cháu ở nhà.
Cũng nên để cho ông bà có thời gian cho bản thân, bạn bè hàng xóm họ hàng anh chị em khác. Các con cũng có thời gian trưởng thành, vui chơi bạn bè, biết thêm nhiều kỹ năng sống để bảo vệ bản thân như: không nhận đồ của người lạ, không để người khác thấy vùng kín. Những kỹ năng này nếu ở nhà đa số chúng ta dễ dãi và không để ý dạy con. Bạn hay ông bà lo cho con nhiều nhưng đâu thể lo cả đời được.
Trẻ con là cần tình yêu thương. Nhưng tôi cho rằng "thương cho roi cho vọt" như ngày xưa các cụ lại hay. Và đương nhiên là roi vọt phải đúng chỗ và đúng tội.
Ngày nay, tôi nhận thấy rằng trẻ con rất hiếu động. Khi gởi ông bà chăm cháu, cháu quấy quá ông bà thường không dám rầy la, sợ bố mẹ buồn lòng. Vì thế cách giải quyết của ông bà nhằm kìm hãm tính hiếu động của trẻ là cho cháu một chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh, thế là cháu vui, ông bà cũng khỏe... Rồi dần dần, ông bà không còn kiểm soát được nội dung cháu xem, đây chính là mối hiểm nguy có thể hình thành nhân cách trẻ. Có những trẻ trở nên bất thường, khi cha mẹ nhận ra thì đã muộn và không biết phải làm sao. Đây là trường hợp phổ biến trong xã hội ngày nay.
Kittytran
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.