Chúng tôi cũng thích tụ tập hàng giờ ở những dãy "cà phê bệt" trên đường Alexander de Rhodes và Nguyễn Đình Chiểu. Gọi là "cà phê bệt" vì các quán hàng ở đây thường không có hoặc ít ghế ngồi. Khách tùy ý ngồi bệt ra gốc cây hoặc gờ đường vừa uống cà phê vừa tán chuyện. Mô hình kinh doanh này rất phù hợp với hoàn cảnh "vừa bán vừa chạy". Quán hàng ở đây thường xâm chiếm lối đi của khách bộ hành nên lực lượng trật tự đô thị thỉnh thoảng lại đi tuần để dẹp. Nhưng khi trật tự đô thị vừa khuất bóng, hàng quán lại dọn ra, ồn ào như cũ.
Vỉa hè đóng vai trò rất đặc biệt đối với người dân thành thị ở Việt Nam. Vỉa hè đô thị vừa là không gian sinh kế, vừa là không gian cộng đồng, hấp dẫn không chỉ với người Việt, mà cả du khách nước ngoài. Việt Nam chưa có thống kê định kỳ và đầy đủ về đóng góp của kinh tế vỉa hè, nhưng năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động kinh doanh của các hộ cá thể trên vỉa hè chiếm 11-13% GDP.
TP HCM - địa phương vừa có đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường - hiện có hơn 4.000 km tuyến đường với bề rộng từ 5m trở lên. Trong số các tuyến đường có vỉa hè, xấp xỉ 70% có vỉa hè với bề ngang nhỏ hơn 3m. Phần lớn vỉa hè gắn liền với các hoạt động kinh tế tự phát của người dân, thiếu sự quản lý, giám sát đồng bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Vỉa hè về bản chất vẫn phải là không gian công cộng, phục vụ cho mọi người. Vỉa hè phải đảm bảo chức năng thiết yếu nhất là không gian bộ hành và tạo vùng đệm an toàn giữa đường sá và các tòa nhà. Vì vậy, lý tưởng nhất thì vỉa hè là vỉa hè, không phải chốn kinh doanh, buôn bán. Quan điểm này phù hợp với mong muốn và dễ nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
Tuy nhiên, vỉa hè ở Việt Nam được ước tính đang "cõng" hàng triệu người lao động (nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%). Các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM cũng đã trải qua nhiều thất bại trong các chiến dịch dẹp hàng rong, "đòi lại" vỉa hè cho người đi bộ. Nhìn vào thực tế đó, tôi đồng tình việc thu phí sử dụng vỉa hè, như một biện pháp nhằm quản lý tốt hơn và tạo nguồn kinh phí cho việc bảo trì, vệ sinh, cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng thành phố.
Triển khai quản lý, giám sát việc kinh doanh trên vỉa hè, thay vì để tự phát như hiện nay, cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hộ cá thể sử dụng không gian kinh doanh của mình một cách tối ưu, đồng thời tuân thủ quy định đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vỉa hè và lòng đường cần được tính toán kỹ lưỡng, quy hoạch rõ ràng khu vực nào được và không được thu phí. Tôi đề xuất thực hiện đồng bộ năm yếu tố sau:
Thứ nhất, thành phố cần phân loại các tuyến đường thu phí và các hoạt động kinh doanh có thu phí, quy hoạch thành bản đồ với những thông tin minh bạch, công khai trên trang web hoặc ứng dụng di động để người dân dễ dàng tra cứu.
Thứ hai, xem xét bố trí không gian sử dụng vỉa hè dưới dạng các vạch sơn có gắn mã QR để tiện theo dõi. Ví dụ, vạch sơn màu vàng quy định khu vực chịu thu phí. Bàn ghế cũng như hàng quán sử dụng không gian kể trên cần được bố trí và sắp xếp không vượt quá vạch kẻ này. Vạch sơn màu xanh thể hiện khu vực không chịu thu phí, các hộ kinh doanh sẽ bị phạt nặng (bằng tiền hoặc tước giấy phép kinh doanh) nếu xâm phạm không gian của người đi bộ.
Thứ ba, mỗi khu vực vạch sơn thu phí cần được gắn một mã QR để phục vụ quản lý. Người thuê scan mã QR để đóng tiền. Mô hình này có thể tham khảo qua các khu vực đỗ xe đạp được thực hiện từ tháng 1/2019 ở Singapore. Người đi đường cũng có thể chụp lại và báo cáo qua ứng dụng trên điện thoại nếu thấy người thuê lấn chiếm không gian an toàn. Việc thu phí qua ví điện tử không chỉ tạo tiện lợi cho người dân mà còn tránh tình trạng càng thu càng lỗ do chi phí nhân công cũng như tình trạng thất thoát trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, hoạt động bán hàng rong trong khu vực trung tâm thành phố nên được tổ chức lại tốt hơn, hệ thống hơn. Hawker centre (khu hàng rong) đã xuất hiện từ thập niên 1970 khi chính phủ Singapore quyết định xây dựng các bán hàng hội đủ tiêu chuẩn. Singapore có đến 114 khu vực với hơn 6.000 quán ăn đảm bảo vệ sinh và thu hút rất nhiều du khách trải nghiệm ẩm thực đường phố. Đây là một hình mẫu thành công về quản lý các khu hàng rong cho TP HCM, với đặc điểm khí hậu và nét văn hóa ẩm thực đường phố khá tương đồng.
Thứ năm, việc thu phí có thể bắt đầu thí điểm ở khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3 và các khu đô thị mới như Quận 2, Phú Mỹ Hưng, sau đó mới tiến hành rộng ra. Những khu đô thị mới và trung tâm căn bản đã có hạ tầng hiện đại, vỉa hè thông thoáng, hoạt động kinh doanh ổn định và có thể dễ dàng áp dụng chính sách này.
Tôi tin rằng, kết hợp các biện pháp đồng bộ về quản lý và sử dụng lòng đường hè phố sẽ giúp thành phố nhanh chóng cải thiện bộ mặt đô thị và đảm bảo hài hòa lợi ích của những bên liên quan tới vỉa hè.
Trình Phương Quân