Rời nhà máy sau ca chiều, chị Trần Thị Hà, công nhân Tổng công ty Việt Thắng (TP Thủ Đức) tới cửa hàng công đoàn mua bó rau muống, một con cá diêu hồng, ít cà chua, hành ngò tổng cộng hết 50.000 đồng. Số thực phẩm này đủ cho bữa cơm chiều 4 người của gia đình chị. Từ hôm chợ cóc gần nhà trọ ở phường Linh Trung bị dẹp, nữ công nhân chuyển sang đi chợ tạm được tổ chức trong công ty.
Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chủ tịch công đoàn tổng công ty cho hay, chợ được thành lập khi công nhân phản ánh khó mua thực phẩm, giá rau củ tăng gấp đôi trong bối cảnh TP HCM dẹp chợ tự phát, ngưng một số chợ truyền thống. Chợ được tổ chức trong khuôn viên nhà máy, mỗi ngày bán 3 đợt vào buổi trưa, đầu và cuối giờ chiều, phù hợp với giờ ra vào ca của công nhân.
Chợ gồm nhiều quầy nhỏ, bán gần 30 loại rau, củ, thịt cá tươi sống. Các quầy được bố trí giãn cách, căng dây chia ô để không tụ tập đông người. Công nhân trước khi vào mua hàng được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Để có nguồn hàng giá tốt, nhóm phụ trách chợ đặt các nhà cung cấp thực phẩm lâu năm cho bếp ăn của nhà máy. Không tốn tiền vận chuyển và mặt bằng, lại mua giá sỉ nên rau củ, thịt cá đến tay công nhân thấp hơn bên ngoài ít nhất 20%.
"Chúng tôi đi chợ giúp công nhân nên mua vào bao nhiêu bán ra bấy nhiêu", bà Phượng nói và cho biết thêm có những hôm nguồn rau bị hụt do chợ đầu mối đóng cửa, nhóm phụ trách phải đến tận các nhà vườn thu gom hoặc đi từ 1-2h để mua được hàng tốt.
Tượng tự, nửa tháng qua hơn 400 công nhân Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) không phải lo lắng khi các chợ tự phát bị dẹp, một số chợ truyền thống trên địa bàn đóng cửa vì công ty tổ chức bán thực phẩm tại nhà máy.
Bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay khi dịch bùng phát trên địa bàn quận, nhà máy tổ chức một bộ phận đi chợ giúp công nhân. Mục đích ban đầu để lao động không tập trung mua sắm ở các chợ cóc, giảm nguy cơ lây nhiễm. Sau đó, thành phố dẹp chợ tạm, ngừng các chợ truyền thống, phương án này được công nhân hưởng ứng vì tiện lợi, giá thấp hơn bên ngoài rất nhiều.
Mỗi ngày, công nhân sẽ nhận danh sách các mặt hàng kèm giá cả để lựa chọn. Các tổ trưởng sẽ chốt số lượng trước 16h, sau đó gửi phòng kinh doanh tổng hợp, đặt hàng. Sáng hôm sau, rau củ được nhà cung cấp chở đến nhà máy. Nhóm phụ trách sẽ chia theo từng đơn, ghi sẵn tên, số tiền và trao cho công nhân khi tan ca. Ngoài hàng tươi sống, nhà máy còn đặt nước mắm, nước tương, dầu ăn, bột ngọt... từ siêu thị với số lượng lớn để được giá ưu đãi. Không chỉ vậy, phiên chợ còn bán sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất với giá nội bộ giảm 25%.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng, từ khi dịch bùng phát mạnh một số địa phương thực hiện chặt chẽ biện pháp phòng dịch khiến nguồn cung ứng thực phẩm về thành phố gặp khó khăn. Tiểu thương e ngại nhập hàng do nhiều chợ truyền thống, đầu mối lớn bị dừng hoạt động làm nguồn cung bị hụt, giá tăng cao so với trước.
Theo ông Phương, phần lớn công nhân mua thực phẩm từ chợ truyền thống, chợ cóc quanh khu nhà trọ, khu công nghiệp nên khi các khu chợ này dừng hoạt động gây khó khăn nhất định đến đời sống của họ. Do đó, các phiên chợ tạm ở nhà máy, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người lao động trong thời gian này rất cần được khuyến khích, nhân rộng.
"Nếu các nhà máy muốn mua hàng bình ổn giá để bán cho công nhân có thể liên hệ trực tiếp với sở để được hỗ trợ", ông Phương nói và cho biết thêm quận Bình Tân là nơi đông công nhân nhất thành phố. Khi chính quyền dừng tất cả chợ truyền thống từ ngày 1/7, sở đã đề nghị lãnh đạo quận gửi thông tin các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu đến tất cả doanh nghiệp. Hàng hóa sẽ được giao tận nơi cho doanh nghiệp để cung ứng cho lao động.
Từ ngày 20/6, TP HCM đã cấm các chợ tự phát hoạt động sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao về lây nhiễm dịch. Đồng thời liên tục những ngày qua, có 93 trên tổng số 234 chợ truyền thống dừng kinh doanh để đánh giá lại điều kiện phòng chống dịch. Sở Công thương đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương có biện pháp khắc phục phòng dịch để các chợ truyền thống sớm hoạt động trở lại, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Lê Tuyết