Ngày 1-3 hàng tháng, chợ được mở tại Trung tâm Giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Đây là chợ đầu tiên của cả nước chuyên bán sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ dược liệu này.
Như bao phiên chợ trước, từ sáng sớm ngày đầu tháng 8, chị Hồ Thị Mười, dân tộc Xê Đăng, đưa 6,5 kg sâm đến bày bán. Giá loại thấp nhất 105 triệu đồng, cao nhất 155 triệu đồng/kg. Người mua và bán tự thỏa thuận giá cả, đắt rẻ phụ thuộc vào độ tuổi của mỗi củ sâm, tuổi càng cao thì càng đắt.
Chị Mười tham gia chợ từ phiên đầu tiên tháng 6/2017, khi được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Nam Trà My. Ngày đó chợ còn tạm bợ, chính quyền chỉnh trang, lắp ghép các gian hàng ở trụ sở nhà văn hóa. Ngoài mặt hàng chính là sâm, chợ còn bán một số sản vật vùng cao của Nam Trà My.
Tháng 3 vừa qua, chị Mười cũng như các tiểu thương được chuyển sang Trung tâm Giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh, tại xã Trà Mai, bên quốc lộ 40B. Công trình rộng 3 ha, với khối nhà chính hơn 1.650 m2, khu tổ chức lễ hội ngoài trời 4.000 m2, bãi đậu xe 3.000 m2, kinh phí 24,5 tỷ đồng.
Để được vào chợ, chị Mười cũng như tất cả người bán phải đưa hàng đến tổ thẩm định để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, xác định trọng lượng. Những củ sâm được người am hiểu về loại dược liệu quý hiếm này kiểm tra bằng mắt thường, công đoạn này hết khoảng 5-15 phút.
Số hàng của chị Mười còn nguyên củ, rễ; một số còn nguyên cây, trái, củ, rễ. Mỗi khi có khách, chị cầm củ sâm hơn 10 năm tuổi giới thiệu mỗi mắt củ là một tuổi, khẳng định "người mua đưa về kiểm định, không phải sâm Ngọc Linh tôi sẽ bồi thường gấp đôi". Buôn bán sâm 10 năm, gây dựng được uy tín, chị nói không vì một ít lợi nhuận mà đánh đổi tất cả.
Ngoài kinh doanh, chị Mười còn trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Linh. Sau phiên chợ ngày 1-3/8, chị bán được 4 kg, thu về hơn 500 triệu đồng, còn dư 2 kg. "Hàng không sợ ế, bán không hết tại chợ thì đưa về nhà bán tiếp. Sâm nguyên cây thì đưa lên rừng trồng", chị nói.
Khác với các chủ gian hàng, chị Nguyễn Thị Thùy Tiên, ở xã Trà Mai, chủ một doanh nghiệp buôn bán và trồng sâm Ngọc Linh, tham gia chợ muộn hơn. Tháng 3 chị đăng ký gian hàng, đến tháng 8 là phiên thứ năm tham dự. Để có hàng bán, chị nhổ trên vườn và thu mua của người dân.
Lần này, chị mang 5 kg sâm từ 6 đến hơn 10 tuổi bày bán, giá thấp nhất 80 triệu đồng, cao nhất 220 triệu đồng/kg. Kết thúc phiên chợ, chị bán được 2,5 kg, số hàng còn lại đưa về nhà cho vào tủ lạnh bảo quản để bán qua mạng.
Theo chị Tiên, việc kinh doanh ở chợ giúp người bán tạo uy tín, khẳng định thương hiệu bán sâm thật. Nếu khách có nhu cầu, chị dẫn lên vườn xem. Chị đang sở hữu một ha sâm trên núi Ngọc Linh, khách thích cây nào sẽ bán cây đó.
Ông Hồ Nguyên Hải, 64 tuổi, ở TP HCM đã năm lần đến chợ mua sâm bồi bổ sức khỏe. Giống như các lần trước, ông đảo qua các gian hàng chọn những củ tốt, giá cả hợp lý rồi mua cho bản thân và bạn bè. "Tôi yên tâm khi mua hàng tại đây vì huyện đứng ra tổ chức và đảm bảo hàng thật. Sâm đưa đến chợ có một tổ kiểm định đáng tin cậy", ông nói và khoe đã mua 3 kg.
Trước đây ông Hải thường mua sâm của một thầy thuốc đông y ở TP HCM song chưa yên tâm về chất lượng. Từ ngày biết có phiên chợ, ông vượt quãng đường gần 1.000 km từ TP HCM ra để mua. "Ngoài việc mua sâm, tôi thích được đến vườn cây trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh tham quan", ông chia sẻ.
Theo thống kê của huyện Nam Trà My, phiên chợ ngày 1-3/8 có khoảng 4.500 lượt người tham quan, mua sắm, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Trong đó riêng sâm củ Ngọc Linh bán tại chợ được 63 kg, thu về khoảng 9,5 tỷ đồng. Trong 56 phiên chợ trước đó, phiên nhiều nhất thu về 12,5 tỷ đồng, ít nhất hơn 2 tỷ đồng.
Sâm được người dân Xê Đăng, huyện Nam Trà My, trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, dưới tán rừng nguyên sinh. Xưa kia người dân thường gọi sâm là "thuốc giấu", dùng để trị vết thương, sốt rét, bồi bổ sức khỏe. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.
Hiện huyện Nam Trà My có trên 1.600 ha với 20 doanh nghiệp và nhóm hộ trồng sâm. Tỉnh Quảng Nam đã trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045. Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, có cơ hội đưa ra thị trường thế giới.