Hơn một tháng nữa là tới thời hạn chót "kìm" giá các mặt hàng thiết yếu, ngành điện gấp rút xây dựng phương án tăng giá bán theo đúng lộ trình từ 1/7. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang hoàn tất việc thống kê con số lỗ lãi để Nhà nước bù lỗ, đồng thời sẵn sàng lên phương án điều chỉnh giá bán trong tình huống khẩn - giá thế giới vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Một quan chức của Petrolimex nói, doanh nghiệp chỉ có thể chịu đựng với giá dầu dao động quanh ngưỡng 100 USD một thùng. Nay giá thế giới lên tới 120 USD, thậm chí có dự báo cho rằng dầu thô có thể vượt ngưỡng 130 USD một thùng, thì việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước hoàn toàn có thể xảy ra.
Vị quan chức này cho rằng việc kìm giá bán lẻ trong nước thời gian qua khiến con số lỗ của tổng công ty lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng may thị trường nhiên liệu thế giới cứ một chiều giá lên, khó tránh khỏi tăng giá bán lẻ trong nước lên ngưỡng 15.000 đồng, thậm chí 16.000 đồng.
Thị trường dầu lửa thế giới lên cơn sốt cũng đang tác động mạnh đến ngành vận tải hàng không. Hôm qua, Jetstar Pacific thông báo hoãn mở hai đường bay mới vì giá xăng dầu tăng cao, vượt mức chịu đựng của hãng. Nếu không giãn tiến độ mở thêm các đường bay nội địa thì khả năng tài chính của công ty không đủ duy trì hoạt động.
Một quan chức của Jetstar Pacific nhẩm tính, hiện nay giá dầu chuyên dùng cho máy bay đang đứng ở ngưỡng 115 USD một thùng. Xăng Jet A1 loại dùng cho máy bay cũng lên ngưỡng 140 USD một thùng sau khi cộng thuế. Với mức giá này chi phí nhiên liệu của hãng đã lên tới 55%, tăng 30%. "Với mức vé trần cho các đường bay nội địa 1,7 triệu đồng hiện nay thì các hãng hàng không rơi vào cảnh càng bay càng lỗ", vị quan chức này nói.
Ông lớn trên thị trường hàng không là Vietnam Airlines cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Giá nhiên liệu tăng ngốn thêm của hãng 491 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Con số này dự kiến sẽ là 2.200 tỷ đồng trong năm 2008. Theo một quan chức của Vietnam Airlines, các mặt hàng xăng dầu đang được hưởng thuế suất 0%, chỉ riêng nhiên liệu phục vụ trong lĩnh vực hàng không chịu mức thuế 15%. Vị này nhận định, không thể loại trừ khả năng các hãng hàng không sẽ đề xuất nâng trần giá vé lên mức cao hơn, có thể là 2 triệu đồng cho trục bay nội địa.
EVN than đang lỗ nặng vì không được tăng giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Giới chuyên môn cho rằng không thể kìm lâu giá cả các mặt hàng thiết yếu khác, bởi nếu cứ "nhốt" mãi bằng biện pháp hành chính, hậu quả rất khó lường cho những tháng còn lại của năm.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội tỏ ra sốt ruột trước diễn biến của các mặt hàng trong nước và thế giới. Theo ông, giá dầu thế giới đang tăng cao, khả năng nâng giá bán lẻ trong nước đang là vấn đề cấp bách, nếu tiếp tục nhốt giá thì sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông Phong bình luận, có vẻ Chính phủ đã "lỡ trớn" khi đưa ra một mốc thời gian nhất định là đến hết tháng 6. Điều này khiến hầu hết các doanh nghiệp, nhóm ngành hàng chờ đợi thời điểm này để hy vọng điều chỉnh giá bán. Do vậy, nếu Chính phủ không có giải pháp hữu hiệu, tính toán thận trọng thì hậu quả sẽ không lường.
Hơn nữa, nếu tiếp tục dùng các biện pháp hành chính để kìm chế tốc độ tăng giá, thì dù lùi "mốc" tới cuối năm hoặc đến đầu năm sau, vẫn tạo ra sự tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Trưởng phòng kinh tế và tiền tệ, Viện Nghiên cứu Kinh tế VN - cho rằng, VN đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao do tác động trực tiếp bởi giá dầu thế giới, hạn hán, dịch bệnh gia súc gia cầm và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong bối cảnh này, VN buộc phải lựa chọn các giải pháp đánh đổi: Nới lỏng chính sách giá hay tiếp tục kìm để hạn chế lạm phát.
Nếu tiếp tục kìm giá VN sẽ phải đối mặt với mặt trái là tình trạng buôn lậu, chảy máu nhiên liệu, tài nguyên ra nước ngoài. Nếu không điều chỉnh giá xăng dầu, việc chảy máu xăng dầu ra các nước lân cận sẽ thêm căng thẳng.
Trường hợp thức hai là nới lỏng giá một số mặt hàng, sẽ phải chấp nhận lạm phát cao, người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Đổi lại doanh nghiệp sẽ bớt căng thẳng đồng vốn, Nhà nước không bị thất thoát tài sản và giá cả sẽ dần tiếp cận xu thế của thị trường. "Vấn đề còn lại Chính phủ sẽ phải tính toán thận trọng, lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế và sức chịu đựng của dân chúng", ông Thiên nhấn mạnh.
"Trong bối cảnh cấp bách này không còn cách nào khác chúng ta phải làm phép đánh đổi. Nới lỏng giá để ở mức có thể kiểm soát, đảm bảo được cân đối nền kinh tế. Nếu chúng ta càng nén thì nguy cơ lạm phát càng cao", tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Ý kiến khác, xin gửi về kinhdoanh@vnexpress.net |
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương đặt giả thiết, khi giá xăng dầu điều chỉnh, nhiều loại giá khác như giá điện, giá xi măng không được tăng. Tình trạng lúc này là khoảng cách giá giữa các sản phẩm bị kéo giãn và tiềm ẩn mất ổn định. Do vậy, giá cả cần do thị trường điều tiết, khi ấy doanh nghiệp sẽ biết rõ thực lực của nền kinh tế để có chiến lược kinh doanh hiệu quả.
"Chưa ai làm phép so sánh xem lạm phát kéo tụt nền kinh tế hay việc thất thoát tài sản do buôn lậu xăng dầu, than... làm ngân sách Nhà nước khốn đốn. Tuy nhiên có thể nhìn thấy rõ nếu đặt nặng mục tiêu kìm lạm phát để tiếp tục kìm giá, thì lạm phát không tăng nhiều trong năm nay, sẽ lại tăng mạnh trong năm sau, thiệt hại cũng rất lớn. Đó là chưa kể khi kìm chế giá, tình hình buôn lậu gia tăng gây tổn thất rất lớn cho Nhà nước", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: "Chính phủ đã quyết định không tăng giá 10 mặt hàng thiết yếu cho đến hết tháng 6. Sau thời điểm này sẽ có một số mặt hàng được xem xét lộ trình điều chỉnh tùy vào điều kiện của thị trường trong nước và thế giới".
Theo ông Ninh, chủ trương của Chính phủ là kiên trì cơ chế giá thị trường, điều này có nghĩa là giá cả sẽ do thị trường điều tiết. Sở dĩ thời gian qua, Chính phủ phải can thiệp về giá là giải quyết yêu cầu trước mắt, khi mức độ tăng giá quá cao. Cách làm này cũng nhằm mục tiêu chia sẻ gánh nặng, giảm bớt áp lực của việc tăng giá cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc "kìm giá" theo ông Ninh là không thể kéo dài, vì nó sẽ làm méo mó thị trường, bao cấp tràn lan và ngân sách Nhà nước không đủ sức chịu đựng.
"Do vậy khi tình hình lạm phát ổn định, kiểm soát được mức độ nào đó thì Chính phủ sẽ có lộ trình trả giá lại cho thị trường", ông Ninh nói.
Hồng Anh