Trong chat nhóm, người này nhắc nhở bạn bè "khi tiêm phòng phải mặc áo dài tay để kéo xuống che đi miếng gạc tẩm cồn sau đó" và "không được phép tiết lộ điều gì với người khác".
Vấn đề là Philippines chưa chấp thuận đại trà bất cứ vaccine nào, ít nhất cho đến tháng 2. Nhập khẩu các loại dược phẩm không qua phê duyệt là bất hợp pháp. Thế nhưng, do nhu cầu của công nhân Trung Quốc, phần nhiều làm việc tại các sòng bạc, khiến thị trường chợ đen hoạt động sôi nổi. Vaccine Covid-19 bị đẩy giá cao gấp nhiều lần so với giá ban đầu 30 USD một liều. Đường dây phân phối ngầm cho thấy sự bất bình đẳng trong đại dịch và những bất cập của chương trình tiêm chủng.
Cuối tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết vệ sĩ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã tiêm vaccine nhập lậu, chưa được chính phủ cấp phép. Theo Teresita Ang See, đại diện nhóm lao động Trung Quốc tại Philippines, có khoảng 100.000 người đã được tiêm phòng. Bà cho biết giá bán vaccine tại chợ đen dao động từ 200 đến 300 USD, cho cả hai liều. Trong khi đó, Jesse, nhân viên sòng bạc trực tuyến, chia sẻ đồng nghiệp của cô đã tiêm vaccine của Pfizer được vận chuyển từ Trung Quốc vào Philippines.
Trước đó, Pfizer cam kết hợp tác với chính phủ Philippines để cung cấp các liều vaccine Covid-19. Song nước này mới phê duyệt sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp, chưa chấp thuận đại trà.
Ronald Mendoza, hiệu trưởng Trường Chính phủ, Đại học Ateneo de Manila, nhận định: "Đây là công thức miễn phí tạo nên một thảm họa".
Một doanh nhân Philippines cho biết ông đã được những đồng nghiệp trong ngành kinh doanh sòng bạc tiếp cận và chào mời mua vaccine Sinopharm cho nhân viên. Nếu đồng ý, ông phải khai báo các liều tiêm lậu thành "thuốc bổ sung", cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý và không bán lại vaccine. Từ đó, hải quan sẽ dán nhãn phù hợp cho lô hàng và phê duyệt nhập khẩu. Vị doanh nhân cho biết đây là "hoạt động phi tập trung" nhận được sự quan tâm của nhiều nhóm hội.
Phát ngôn viên của Cục Hải quan Philippines từ chối bình luận về tình trạng trên. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cùng Cục Điều tra Quốc gia đang tiếp tục tìm hiểu về sự việc. Ngày 31/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nhắc nhở công dân không tiêm vaccine lậu để tránh bị lừa đảo, gây nguy hiểm cho bản thân.
Philippines, quốc gia phải phong tỏa lâu nhất trong khu vực, đã ghi nhận hơn nửa triệu ca nhiễm nCoV và gần 10.000 trường hợp tử vong. Khi thị trưởng các thành phố ký kết hợp đồng mua bán với nhà sản xuất vaccine, những người chỉ trích ông Duterte đặt câu hỏi liệu chính quyền trung ương có đang thiếu kế hoạch phân phối và làm ngơ trước những hành động bất hợp pháp nguy hiểm hay không.
Jesus Durante, người đứng đầu nhóm vệ sĩ của Duterte, cho biết vaccine họ sử dụng là an toàn, khẳng định đã "thực hiện những nghiên cứu cần thiết". Song một số công dân Trung Quốc sống tại Philippines đã khiếu nại vaccine thiếu hiệu quả và để lại tác dụng phụ.
Trên truyền thông địa phương, Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Año cho biết ít nhất một thành viên nội các đã được tiêm vaccine. Trung tướng Cirilito Sobejana chia sẻ ông và các quan chức quân đội khác cũng đã chủng ngừa. Ông Ronald Mendoza nhận định các tuyên bố này có thể vô tình khuyến khích công chúng đổ tiền vào sản phẩm chợ đen.
"Họ đã làm một điều không chính thức và ngoài quy định kiểm soát và giả định là nó an toàn", ông nói.
Báo động trước tình trạng các nhân vật cấp cao sử dụng vaccine chưa phê duyệt, Bộ Y tế Philippines cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 29/12/2020. Trong đó, họ nhấn mạnh việc nhập khẩu, phân phối hoặc quảng cáo các liều tiêm nhập lậu là bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đã hối thúc Trung Quốc điều tra tình trạng buôn lậu dược phẩm vào Philippines. "Với tiềm lực an ninh và giám sát của Trung Quốc, họ không thể không biết ai đứng sau những chợ đen vaccine này", bà nói.
Hôm 11/1, chính phủ Philippines cho biết đã đặt mua 25 triệu liều vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac. Lô hàng 50.000 liều đầu tiên sẽ đến vào tháng tới. Sau khi phê duyệt vaccine Pfizer, nước này sẽ xem xét thêm sản phẩm đến từ AstraZeneca và Moderna.
Thục Linh (Theo Washington Post)