Khi nhập viện tại thủ đô Delhi, chú của Abhinav Sharma sốt rất cao và bị khó thở. Ông được chẩn đoán dương tính với nCoV. Bác sĩ chỉ định sử dụng remdesivir, loại thuốc kháng virus được phê duyệt trong trường hợp khẩn cấp ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc mua thuốc gần như bất khả thi. Nhu cầu cao, remdesivir trở nên cực kỳ khan hiếm. Sharma tuyệt vọng tìm kiếm sản phẩm ở nhiều nguồn vì tình trạng chú anh xấu đi từng giờ.
"Tôi đã rơi nước mắt. Chú tôi đang chiến đấu với tử thần, còn tôi phải vật lộn để mua được thứ có thể cứu sống ông ấy. Sau hàng chục cuộc gọi, tôi đã bỏ ra số tiền gấp 7 lần để có được remdesivir trong tay. Tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào, nhưng thật đau lòng khi nghĩ đến những người không đủ khả năng", anh nói.
Hoàn cảnh của Sharma và chú anh giống với rất nhiều gia đình tại Delhi. Họ làm tất cả để cứu lấy người thân yêu và trở thành những "con mồi béo bở" của chợ đen. Nhiều gia đình phải trả mức giá cắt cổ để mua remdesivir.
"Tôi có thể lấy cho anh ba lọ với giá 30.000 rupee (401 USD), nhưng anh phải đến đây ngay", một người đàn ông tự xưng là "làm việc trong ngành dược phẩm" nói, sau khi nhận được cuộc gọi của phóng viên điều tra từ BBC.
Trong khi đó, giá chính thức của mỗi lọ thuốc ở Ấn Độ là 5.400 rupee (72 USD). Nhiều người thậm chí rao bán remdesivir ở mức 38.000 rupee một lọ, tức là cao hơn giá niêm yết tới 7 lần.
Nhu cầu tăng lên sau khi nhà sản xuất Gilead Science công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng, cho thấy thuốc giúp giảm thời gian điều trị của bệnh nhân từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Dù các chuyên gia cảnh báo nó không phải thần dược, bác sĩ vẫn ồ ạt kê đơn trong các trường hợp khẩn cấp.
Một số gia đình thậm chí dành dụm tiền tiết kiệm cả đời chỉ để mua thuốc, với hy vọng cứu sống người đang nằm trên giường bệnh.
Lý do giá cao ngất ngưởng là khoảng cách quá lớn giữa cung và cầu. Sau khi được phê duyệt, Gilead Science đã cho phép 4 công ty Ấn Độ, bao gồm Cipla, Jubilant Life, Hetero Drugs và Mylon sản xuất remdesivir. Tuy nhiên đến nay, chỉ có Hetero bắt tay vào quá trình này. Công ty đã cung cấp 20.000 liều thuốc cho 5 bang. Họ không biết làm thế nào nguồn sản phẩm lại bị rò rỉ ra chợ đen.
"Chúng tôi không bán thuốc cho các nhà phân phối trung gian mà trực tiếp chuyển thẳng đến bệnh viện", Sandeep Shahstri, phó chủ tịch công ty, cho biết. Thuốc remdesivir do Hetero sản xuất có tên thương hiệu là Covifor.
Ông Shahstri cũng nói thêm rằng công ty đang làm việc hết mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng, nhận định "các chợ đen như vậy làm ảnh hưởng đến tinh thần của người dùng",.
"Chúng tôi hiểu được nỗi đau của các gia đình. Đáng ra họ không phải đi săn lùng thuốc như hiện tại. Chúng tôi tự tin có thể tăng sản lượng trong vài ngày tới, tình hình sẽ sáng sủa hơn", ông khẳng định.
Tuy nhiên, đến dược sĩ cũng không có đủ nguồn cung remdesivir.
"Một phụ nữ đã gọi cho tôi từ Hyderabad vào đêm qua. Bố cô ấy đang ở bệnh viện thành phố Delhi. Cô ấy nói rằng mình sẽ trả bất cứ giá nào để mua thuốc. Nhưng tôi chẳng thể làm gì được", Rajeev Tyagi, phó chủ tịch một hiệp hội hóa học tại thành phố Ghaziabad kể lại.
Tình trạng trên khiến nhiều người đặt câu hỏi: Làm thế nào mà loại thuốc khan hiếm này được bán chui ở chợ đen, trong khi chính y bác sĩ không thể chạm tay vào chúng?
Rajiv Singhal, tổng thư ký Hiệp hội Dược sĩ Ấn Độ, đã phủ nhận mối nghi ngờ từ công chúng, rằng chính các chủ hiệu thuốc đã "tuồn" sản phẩm ra ngoài để trục lợi.
"Tôi khẳng định không có thành viên nào tham gia những hoạt động như vậy. Đây là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tôi muốn đưa ra thông điệp rõ ràng, rằng Hiệp hội sẽ có hành động pháp lý cứng rắn nếu phát hiện bất cứ ai bán thuốc cứu sinh bất hợp pháp", ông nói.
Vấn nạn thổi giá không chỉ xảy ra với remdesivir. Số tiền để mua của một loại thuốc cấp cứu khác, là tocilizumab, cũng tăng theo cấp số nhân. Sản phẩm vốn dùng điều trị viêm khớp dạng thấp, có tên thương mại là Actemra, cho thấy kết quả tích cực đối với bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Các chuyên gia cho biết cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để có dữ liệu toàn diện, song các bác sĩ vẫn đồng loạt kê đơn thuốc để cứu sống bệnh nhân.
Actemra hoàn toàn được nhập khẩu. Nhà sản xuất Roche đã ủy quyền cung cấp tại Ấn Độ cho hãng dược Cipla. Tuy nhiên rất khó để tìm thấy thuốc tại các đại lý chính thức, đặc biệt là khi bệnh nhân cần nó trong vài giờ. Hãng cho biết nhu cầu sử dụng đã tăng mạnh trong vài tuần qua.
"Chúng tôi đã đẩy mạnh nguồn cung, nhưng chắc chắn sức mua sẽ tiếp tục lên cao trong những ngày tới", đại diện Cipla nói.
"Tôi đã tới khoảng 50 cửa hàng ở Delhi. Họ đều hứa sẽ nhập thuốc, nhưng đưa ra mức giá gấp hai hoặc ba lần mỗi liều. Tôi phải tốn hai ngày để có đủ số lượng cần thiết cho dì của mình", một người dân ở Delhi chia sẻ.
Song Cipla cũng phủ nhận thông tin thuốc được bán ở chợ đen.
"Chúng tôi theo dõi từng liều để đảm bảo không ai đem chúng ra ngoài trục lợi. Hãng sẽ không cho phép điều đó xảy ra", đại diện công ty tuyên bố.
Thục Linh (Theo BBC)