Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường mới đây của công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng (mã TPC) đã điều chỉnh lại và xác định chính thức chỉ tiêu kế hoạch năm 2008. Theo đó, sản lượng và doanh thu cả năm vẫn giữ nguyên như đã đề ra (7.000 tấn sản phẩm, 243 tỷ đồng), tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế được điều chỉnh giảm 6 tỷ đồng, chỉ còn 15,1 tỷ đồng. Hội đồng quản trị TPC nhận định, với tình hình thị trường bất động sản đang có chiều hướng suy thoái đến hết năm 2009, mục tiêu lợi nhuận 9 tỷ đồng từ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ không khả thi, do vậy cần phải được điều chỉnh.
Với một loạt khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh như thị trường xuất khẩu mới thâm nhập đang bị áp thuế chống bán phá giá làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm do công ty sản xuất; công nợ Cuba có tổng giá trị gần 900 tỷ đồng chưa thu hồi được; chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng… nên công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (mã DQC) cũng phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh thu thuần cả năm chỉ còn 650 tỷ đồng, bằng hơn 50% so với 1.270 tỷ đồng đưa ra hồi đầu năm, lợi nhuận sau thuế từ mức 222 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nghi ngờ khả năng quản trị của công ty khi gần hết năm doanh nghiệp mới điều chỉnh kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đã đề ra. Ảnh: H.P. |
Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang vào cuối tháng 9 chấp thuận giảm lợi nhuận sau thuế từ 17,9 tỷ đồng còn 12 tỷ đồng.
Trước đó, cũng có một số doanh nghiệp niêm yết tiến hành điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nhưng theo xu hướng tăng. Ví dụ như, công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (DPM) tăng thêm 350 tỷ đồng ở cả tổng doanh thu và tổng lợi nhuận trước thuế, dựa trên tình hình thực tế của thị trường phân bón sau quý 1. Hoặc công ty cổ phần pin ắcquy miền Nam (PAC) nâng mức doanh thu thêm 8% và 27% lợi nhuận.
Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, trường Đại học Kinh tế TP HCM chia sẻ với nhà đầu tư tại hội thảo "Xu hướng thị trường chứng khoán tháng 10" rằng, quý 3 là thời điểm doanh nghiệp phải gánh mức lãi suất cao đỉnh điểm, thậm chí còn không vay được do ngân hàng đụng phải hạn mức tín dụng 30%. Không chịu đựng nổi, nhiều đơn vị đã chọn giải pháp co hẹp sản xuất, thay đổi phương án kinh doanh để thích ứng với sự hạn hẹp của nguồn vốn dẫn đến điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận. Theo ông, doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn nếu lãi suất cơ bản giảm.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, trường Đại học ngân hàng TP HCM cho rằng có 2 trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, doanh nghiệp biết được thực lực của mình nhưng không dám đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận thấp, do lo sợ Đại hội cổ đông chất vấn và nghi ngờ Hội đồng quản trị có vấn đề cho nên điều hành công ty không tiến mà còn lùi, dẫn đến hậu quả giá cổ phiếu bị ảnh hưởng. Vì vậy họ điều chỉnh kế hoạch khi năm tài chính đã sắp kết thúc với nhiều lý do thuyết phục như lãi vay cao, chi phí đầu vào tăng...
Thứ hai, không loại trừ khả năng trình độ quản trị công ty thấp, dự báo kém, nên không thể hoạch định kế hoạch kinh doanh một cách chính xác. Do vậy, đến giai đoạn này, khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là kết thúc năm, doanh nghiệp mới dự báo được tình hình và điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận.
Tiến sĩ Dương cho biết thêm, sai số trong hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh ở các nước khác thường là 10%, nhưng ở Việt Nam con số này 20-30% là điều bình thường.
Đứng về góc độ nhà đầu tư, anh Tuấn Anh, sàn SSI chia sẻ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm nay còn phải điều chỉnh giảm 1,5-2%, huống chi là lợi nhuận doanh nghiệp. Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp cũng phải thắt lưng buộc bụng, chia sẻ với khó khăn chung. Tuy nhiên, điều mà anh thắc mắc là những khó khăn ấy đã được nhìn thấy ngay từ ban đầu nhưng gần hết năm, các công ty mới nghĩ đến việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thông tin này sẽ ảnh hưởng không tốt đến giá cổ phiếu cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông khi tỷ lệ chia cổ tức sẽ giảm.
Bạch Hường