80 đoàn khách này đặt tour tới Việt Nam từ 2019. Trong suốt hơn hai năm Covid với những đợt giãn cách, đóng biên, chúng tôi đã nỗ lực tận dụng mọi tín hiệu để thuyết phục họ không hủy tour. Giữa tháng 2, khi hay tin Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3, chúng tôi đếm từng ngày để đón khách trở lại sau thời gian dài cầm cự. Khi tưởng chừng mọi thứ đã trở nên chắc chắn, tôi lại cảm thấy sức chịu đựng của khách hàng bị thách thức hơn bao giờ hết.
Mãi cho tới 14/3, một ngày trước khi khách quốc tế được bay vào Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có trong tay văn bản hướng dẫn chi tiết đón khách như thế nào. Trong khi khách cần câu trả lời hàng ngày, càng cụ thể, chi tiết càng tốt, chúng tôi vẫn chỉ có thể cung cấp thông tin chung chung. Hai vấn đề tối thiểu là chính sách thị thực và thủ tục nhập cảnh cũng chưa có câu trả lời rõ ràng. Doanh nghiệp du lịch, không có cách nào khác, đành kiên nhẫn chờ đợi; nhưng khách du lịch thì không. Tôi sợ họ sẽ đưa ra lựa chọn khác.
Nỗi lo của tôi - rằng không phải cứ mở cửa là khách sẽ ùn ùn kéo đến - ngày một hiện hữu. Khách cũ khó lòng giữ chân được, khách mới, đặc biệt là từ Anh, Đức, Pháp rất muốn đi Việt Nam nhưng chưa dám chốt do thông tin phập phù như hiện nay. Và như vậy doanh nghiệp mất doanh thu cho những đoàn khách đáng lý đón được luôn nếu có chính sách mở cửa rõ ràng.
Sau thời gian thí điểm đón khách quốc tế không thành công, với số lượng chỉ chưa đầy 10.000 người từ tháng 11 đến nay, so với gần 500.000 khách Singapore đón được trong thời gian tương tự, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình phương án đón khách quốc tế theo hướng cởi mở hơn. Nhưng phương án cuối cùng ra sao còn tùy thuộc vào những cuộc "ngồi lại" với nhau giữa các bộ ban ngành khác. Và những cuộc "ngồi lại" này thường không dễ thống nhất.
Chẳng hạn, theo đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour. Họ chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Y tế đề nghị thắt chặt quy định, không chấp nhận kết quả test nhanh đối với khách quốc tế; khuyến cáo du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm ba lần trong ba ngày.
Chiều 14/3, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉnh sửa ngay các quy định đối với du khách theo phương án cởi mở đã bàn thảo từ trước.
Diễn biến này làm tôi liên tưởng tới câu chuyện giữa hai cái vịnh nổi tiếng của Việt Nam. Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) thông nhau nhưng bao nhiêu năm nay, cùng một chuyến tàu, khách vẫn chỉ đi được một vịnh. Muốn đi vịnh kia phải là một chuyến tàu khác, bến khác, tuyến khác. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu, sao lại có cảnh "ngăn sông cấm chợ này"? Chẳng nhẽ Quảng Ninh với Hải Phòng nói chuyện với nhau khó đến thế? Trong khi ai cũng hiểu, nếu liên kết, cùng khai thác, thống nhất các tiêu chí, quy chuẩn thì sẽ tạo ra được lợi ích chung. Và việc này có thể làm ngay. Nhưng những điểm nghẽn vẫn tồn tại hàng năm trời như vậy.
Và bây giờ, trong khi chờ Bộ Y tế sửa quy định, doanh nghiệp du lịch lại tiếp tục "ngồi trên đống lửa".
Việt Nam sở hữu tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách nước ngoài. Hai năm liên tiếp 2019 và 2020, Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) vinh danh Việt Nam là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới".
Đó là lợi thế cạnh tranh rất lớn. Năm đỉnh cao 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách quốc nội. Nhưng để đạt được con số đó, các doanh nghiệp du lịch không thể chỉ dựa vào lợi thế vốn có mà rất cần nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ của chính sách, cơ chế.
Còn ngay lúc này, chúng tôi cần được minh bạch thông tin, cần sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các bộ ban ngành, để khởi đầu cho mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm - con số rất khiêm tốn so với 2019, nhưng đầy thách thức với cách mở cửa chậm chạp như hiện nay.
Đường đua đã mở, doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng ở vạch xuất phát, chỉ để... tiếp tục đợi chờ.
Phạm Hà