"Chiều 29 âm (30 Tết) tôi sẽ đi lần nữa, hy vọng mua được cành ưng ý, giá vừa tầm. Nếu vẫn đắt thì đành bỏ chơi đào, quất", anh Đức Trung, 39 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Mọi năm, gia đình anh bắt đầu trưng đào Nhật Tân từ sau 20 tháng Chạp để "có không khí Tết sớm". Năm nay, sau hai ngày đi qua các chợ Trung nhận ra những cành đào dáng huyền, giá dưới một triệu đồng đã biến mất. "Rẻ nhất cũng phải trên hai triệu đồng, quá cao với ngân sách của gia đình", Đức Trung nói.
Anh thừa nhận mua cây vào ngày 'năm cùng tháng tận' có thể không được hàng đẹp nhưng năm nay thu nhập giảm, vật giá leo thang nên cần chi tiêu tiết kiệm.
Chị Thúy Kim, 32 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói ngoài giá cao, tình trạng đường phố ùn tắc trong những ngày cuối năm khiến gia đình chị quyết định đợi đến ngày cuối cùng của năm cũ mới đi mua cây, hoa.
"Đi chợ ngày 30 Tết rất thích bởi đường vắng, chợ thưa. Khách có thể dựng xe sát vỉa hè để chọn cây quất, cành đào ưng ý thay vì bị người đi đường quát tháo, bấm còi xe inh ỏi", Kim giải thích.
Tự nhận mình là người không biết mặc cả, chị Kim thích đi chợ Tết vào ngày cuối vì khi đó người bán ít nói thách. "Tôi không có ý định ép giá người bán. Họ cả năm trồng trọt vất vả mới được thu hoạch, năm nay lại thiệt hại bởi bão Yagi nên tôi sẵn sàng hỗ trợ", chị Kim nói
Chị Kim, anh Trung không phải những người cá biệt có thói quen đi chợ mua hoa, cây cảnh vào ngày 30 Tết. Khảo sát hơn 3.200 độc giả VnExpress ghi nhận kết quả 27% nói "thường xuyên mua hoa vào 30 Tết" bởi muốn mua với giá rẻ hơn, 25% nói phải đến ngày cuối cùng năm cũ họ mới có thời gian mua sắm.
Nhu cầu chờ đến ngày cuối mới đi chợ của người dân khiến nhiều chủ hàng bán đào, quất, mai, bưởi ế ẩm.
Khảo sát của VnExpress từ ngày 15 đến 25 tháng Chạp tại các chợ ở quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa (Hà Nội) bắt đầu có đông tiểu thương bán hoa, cây cảnh, nhưng sức mua rất yếu. Đặc biệt, các điểm bán đào, quất kích thước lớn, giá trên hai triệu đồng gần như không có khách mua. Đông nhất là quầy bán cành đào nhỏ, đào dăm, chậu quất mini có giá 100.000-300.000 đồng.
Nhiều khách hàng cho biết giá cây cảnh đắt hơn mọi năm 1,5-2 lần khiến họ chưa có ý định mua.
Chị Nguyễn Thị Nụ, 45 tuổi, tiểu thương bán đào Nhật Tân ở đường ven Hồ Tây, quận Tây Hồ, cho biết sức mua năm nay giảm ít nhất 50% do giá bán cao gấp đôi so với năm ngoái.
"Bão Yagi đã làm nhiều cây chết khô. Những cây còn sống phải tốn thêm rất nhiều công sức, tiền mua thuốc, phân bón để cứu nên giá bán cao hơn là đương nhiên", chị Nụ giải thích.
Tiểu thương này nói nhiều khách thừa nhận người trồng đào, quất, hoa Tết năm nay bị thiệt hại, giá sẽ cao hơn nhưng đa số chỉ chấp nhận chi thêm 100.000-200.000 đồng.
Hơn chục ngày đã qua của vụ Tết, vợ chồng chị Nụ chỉ bán được 10 cành đào Nhật Tân, giá hơn một triệu một cành. Những năm trước, trung bình một ngày chị tiêu thụ hơn chục cành, "nói khan cả tiếng bởi liên tục tư vấn cho khách".
Giải thích cho thị trường cây cảnh cận Tết ảm đạm hơn mọi năm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói năm qua nhiều người dân gánh chịu thu nhập giảm, kinh tế chưa thực sự hồi phục sau dịch bệnh và thiên tai khiến người có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các nhu cầu cần thiết hơn.
Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử khiến một bộ phận khách hàng chuyển sang mua cây cảnh online bởi tiện lợi, nhiều ưu đãi, dễ so sánh giá cả.
"Thói quen đợi đến sát Tết (30 Tết) để mua hàng rẻ hơn nhằm tạo áp lực cho người bán giảm giá vào phút chót, khiến tiểu thương bị biến động lợi nhuận", ông Long nói.
Một nguyên nhân khác, chuyên gia cho rằng nhiều người có thói quen "mua sát giờ chót" không chỉ xuất phát từ mong muốn mua giá rẻ mà còn do hiệu ứng "lười chuẩn bị sớm" dẫn đến việc mua sắm vội vàng, ít lựa chọn hơn.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng đợi mua hoa, cây cảnh vào ngày 30 Tết là điều không nên.
Về mặt truyền thống, người xưa quan niệm mua đồ Tết phải lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Việc mua sắm nên hoàn thiện trước khi làm mâm cúng tất niên.
Về mặt đạo đức, việc ép giá ngày 30 Tết cũng khiến người nông dân gặp khó bởi giá bán không đủ chi phí chăm sóc cây. Thậm chí những năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp tiểu thương ở nhiều địa phương chặt cây, đập bỏ hoa ế bởi cảm thấy các sản phẩm tâm huyết chăm sóc bị trả giá rẻ mạt.
Để tránh tình trạng người bán bị ép giá, khách không mua được hàng ưng ý, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đôi bên cần xây dựng kế hoạch trước Tết.
Người bán cây cảnh nên có chiến lược bán hàng linh hoạt như tung chương trình khuyến mãi sớm, miễn phí vận chuyển để kích cầu sức mua. Thúc đẩy qua các kênh truyền thông livestream, miễn phí bảo dưỡng hoặc hướng dẫn chăm sóc cây cảnh. Đồng thời cần theo dõi nhu cầu thực tế để tránh tồn kho và đa dạng các phân khúc giá từ rẻ đến cao cấp nhằm đáp ứng đủ yêu cầu.
Và khách hàng cũng cần lập kế hoạch chi tiêu sớm, tận dụng chương trình khuyến mại để chớp thời cơ mua với giá tốt. Đặc biệt, trong quá trình mua không nên chỉ quan tâm đến giá mà cần để ý đến chất lượng cây (độ tươi, kiểu dáng, sự phát triển). Bởi đôi khi giá rẻ không đồng nghĩa với giá trị lâu dài.
"Kinh tế khó khăn đòi hỏi người bán phải xây dựng chiến lược giá cả linh hoạt, tăng giá trị dịch vụ để hút khách. Khách hàng nên mua sắm thông minh, không chạy theo xu hướng sẽ giúp tiết kiệm mà vẫn đảm bảo một cái Tết trọn vẹn", vị chuyên gia nói.
Quỳnh Nga