Hành động chặt cây kèm câu nói "thà vứt chứ không thể bị ép giá" của người bán quất trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng vào Tết Nguyên đán 2023 khiến anh Hưng bất ngờ bởi lần đầu gặp.
"Những năm trước tôi chỉ bị từ chối hoặc mắng là ăn chặn mồ hôi công sức của nông dân chứ chưa thấy ai chặt vứt bỏ cây như này", Hưng kể.
Giải thích chuyện đợi đến chiều 30 Tết mới đi mua cây hoa, cây cảnh anh Hưng nói vài năm nay thu nhập giảm còn 7 triệu mỗi tháng do ảnh hưởng của đại dịch, trong khi vẫn phải chi nhiều khoản khác.
Người đàn ông cho biết trước Tết, giá mỗi cây quất cao hơn một mét dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, nhưng chỉ cần sang ngày 30 Tết, giá chỉ còn khoảng 100.000 đồng. Thậm chí bó chục bông hoa lay ơn, ly từng bán 250.000-300.000 nghìn đồng giảm còn 10.000-30.000 đồng.
Thói quen mua hoa và cây cảnh ngày 30 Tết cũng được gia đình chị Tuyết Lan, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội duy trì nhiều năm. Người phụ nữ 45 tuổi nói chị không chủ định mua được giá rẻ mà đợi sát ngày mới chọn được cây có dáng ưng ý, hoa nở đúng thời điểm. Nhiều năm trước, vợ chồng chị từng mua cành đào Nhật Tân từ 24 tháng Chạp để trưng sớm, nhưng 28 Tết hoa đã nở tung, buộc phải đổ đá lạnh để hãm nở.
"Không ai muốn trưng cành khô, hoa héo ngày đầu năm mới bởi sợ xui xẻo nên tôi thường đi mua cận lễ để ăn chắc", chị Lan nói. Thêm vào đó, cả gia đình chị đều chỉ được nghỉ từ ngày 29, mất một ngày để dọn dẹp nhà cửa và chợ búa. Đến ngày 30 mới có thời gian thư thả cùng nhau đi dạo phố, chọn hoa.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tục mua cây, hoa dâng lên bàn thờ tổ tiên, trang trí trong nhà có từ xa xưa. Trước đây người dân quan niệm phải mua cây cối và trang trí nhà cửa từ 23 đến hết 27-28 âm lịch. Những ngày còn lại là thời điểm các thành viên trong gia đình được nghỉ ngơi và làm mâm cơm tất niên ngày 30 Tết.
"Nhưng ngày nay vẫn có một số người chủ đích đợi đến 30 Tết để mua được giá rẻ. Số còn lại bị ảnh hưởng bởi đám đông, thấy hay nên học theo", bà Hồng nói.
Chuyên gia cho rằng đợi mua cây cối, đồ trang trí vào ngày 30 Tết là điều không nên. Về mặt truyền thống, người xưa quan niệm mua đồ Tết phải lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Đặc biệt việc mua sắm nên hoàn thiện trước khi làm mâm cúng tất niên.
Về mặt đạo đức, việc ép giá ngày 30 Tết cũng khiến người nông dân gặp khó bởi giá bán không đủ chi phí chăm sóc cây. Thậm chí những năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp tiểu thương ở nhiều địa phương chặt cây, đập bỏ hoa ế bởi cảm thấy các sản phẩm tâm huyết chăm sóc bị trả giá rẻ mạt.
Anh Thế Phong, 37 tuổi, tiểu thương bán đào nhiều năm ở quận An Dương, Hải Phòng nói cả năm chăm sóc vườn đào, mong cuối năm thu lãi để gia đình thêm thu nhập. Giá mỗi cành đào người này bán trong dịp Tết dao động 150.000-500.000 đồng.
"Sợ nhất là bị khách ép giá chiều 30 Tết. Hàng còn ít thì có thể bán phá giá để về, chứ còn vài trăm cành mà khách đi qua trả vài chục nghìn đồng thì lỗ nặng. Chưa tính tiền công thì vẫn còn chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới.. chứ đâu phải cứ vứt một chỗ là cây tự lên dáng đẹp, hoa nở đúng vụ", anh Phong nói.
Người đàn ông này cũng cho biết việc bị ép giá quá mức khiến Tết năm 2023, anh quyết định chở cả xe đào về làm củi đun thay vì bán giá rẻ, tránh sang năm thành tiền lệ xấu.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng tâm lý mua hàng ngày 30 Tết để hưởng giá tốt đơn giản xuất phát từ quy luật cung cầu khách quan, là động cơ hành vi bình thường của con người, chú trọng vào lợi ích cá nhân. Theo đó, người bán hàng luôn muốn bán với giá cao, trong khi khách mua lại mong trả số tiền thấp nhất.
"Không nên đặt ra vấn đề đạo đức giữa người với người. Đây đơn giản là quy luật vận hành của thị trường, thuận mua vừa bán", ông Học nói.
Chuyên gia nói có thể hiểu tâm lý bức xúc của người bán khi giá trị hàng hóa không đạt, thậm chí thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, dưới sự vận hành của nền kinh tế thị trường, bản thân người bán cũng không thể ép khách mua bằng công sức bỏ ra. Trong trường hợp không hài lòng, họ có thể từ chối bán.
Để tránh những mâu thuẫn, bức xúc không đáng có trong kinh doanh, tiến sĩ Hoàng Trung Học khuyên các tiểu thương cần tính toán phù hợp, tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường để giảm thiệt hại, thay vì mong người mua thay đổi hành vi.
Bổ sung thêm, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng khuyên người bán nên đưa ra mức giá hợp lý, tránh nói thách quá cao khiến hàng tồn đọng nhiều và phải bán "đại hạ giá".
"Dẫu biết thuận mua vừa bán nhưng người nông dân làm cả năm chỉ trông chờ vào vụ tết. Bạn có thể hả hê mua được đồ giá rẻ nhưng không biết người bán đang chờ những đồng tiền lãi để cả gia đình được sắm Tết muộn, chi trả sinh hoạt cho một năm tiếp theo", bà Hồng nói.
Còn với Mạnh Hưng, khảo sát giá bán cây cảnh ngày 28 Tết Giáp Thìn vẫn cao ngất ngưởng, anh nói vẫn sẽ đợi đến 30 Tết để mua.
"Tôi không mua thì người khác vẫn đi nên nên kệ thôi. Còn người bán cây cối giá rẻ những ngày cuối năm thì tôi vẫn tiếp tục duy trì cách mua hàng này", người đàn ông 40 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn