“Chúng tôi có cách nhìn nhận riêng đối với mỗi sự việc, tuy nhiên chúng tôi không đề cập đến chúng một cách hung hăng, và chúng tôi không cho rằng Mỹ luôn luôn đúng,” Tổng thống Chirac phát biểu hôm thứ ba sau cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch, nước chủ tịch luân phiên EU.
Cho dù cách đề cập như thế nào, thì quan điểm cứng rắn của Paris trong vấn đề Iraq đã tỏ ra có hiệu quả. Trước thái độ của Pháp và hai thành viên thường trực HĐBA khác là Nga và Trung Quốc, Mỹ đã sửa lại bản dự thảo nghị quyết của LHQ, trong đó khẳng định Iraq sẽ phải nhận “những hậu quả nghiêm trọng” nếu không tuân thủ các yêu cầu về thanh sát vũ khí.
Nhiều người Pháp tỏ ra mãn nguyện trước lập trường của chính phủ. “Pháp đã chơi một ván cờ hay”, Jean Francois Daguzan, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Pháp, nhận xét. Ván cờ đó đã lấy lại sự cân bằng quốc tế. Paris phản đối cuộc tấn công đơn phương của Mỹ vào Iraq, nhưng lại khôn khéo yêu cầu Iraq để các thanh sát viên LHQ được tự do tiếp cận mọi địa điểm nghi vấn, kèm theo lời đe dọa về một nghị quyết thứ hai với các bước đi tiếp theo - kể cả dùng vũ lực - nếu như Baghdad bất hợp tác.
Tổng thống Chirac và Thủ tướng Pháp Raffarin nhiều lần khẳng định rằng chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng, nhưng có thể được xem xét đến. Như vậy, Pháp vẫn có thể hỗ trợ người đồng minh quan trọng nhất của mình một khi Mỹ phát động chiến tranh. Paris cũng nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh và Matxcơva, hai ủy viên thường trực khác trong Hội đồng Bảo an. London về phe Washington.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận đinh: Chiến thắng ngoại giao của Pháp không phải là dấu hiệu chắc chắn cho thấy rằng Paris có thể là đối trọng của Washington trong tương lai. Sức mạnh của Pháp vẫn còn nhỏ nhoi so với Mỹ nên chưa thể ngay lập tức đưa ra được một giải pháp khả thi khác. Ông Daguzan bình luận: “Đây chỉ là một thành công nhất thời. Nếu Mỹ quyết định phát động chiến tranh thì khó mà cản được”.
Quan điểm cứng rắn của Chirac nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng. Điều tra mới đây cho thấy có tới 57% dân Pháp “rất hài lòng” hoặc “hài lòng” với Tổng thống, tăng 5 điểm so với tháng trước.
“Mặc dù không muốn, chính quyền Bush đã phải nhượng bộ và tiến gần hơn tới quan điểm của Paris trong vấn đề Iraq. Pháp đã tìm lại được tiếng nói của mình,” tờ Journal du Dimanche nhận xét.
T. Huyền (theo AP)