Chính trị gia kỳ cựu Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ trung hữu CDU/CSU, ngày 23/2 tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang, khi kết quả sơ bộ dự báo đảng giành được 28,5% phiếu bầu. Với kết quả này, ông Merz dự kiến trở thành thủ tướng mới của Đức, thay ông Olaf Scholz.
Trước khi nhậm chức, ông Merz sẽ phải nhanh chóng thành lập chính phủ liên minh để có thế đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, đây có thể là nhiệm vụ phức tạp giữa lúc chính trị Đức ngày càng rạn nứt. Cuộc bầu cử cho thấy đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang trỗi dậy giành vị trí thứ hai với 20,8% phiếu bầu, trong khi phe cực tả cũng đang dần định hình vị trí.
"Nhiệm vụ chính là thành lập chính phủ ở Đức nắm thế đa số quốc hội càng nhanh càng tốt. Thế giới ngoài kia không chờ đợi chúng ta. Và họ không chờ đợi các cuộc đàm phán liên minh kéo dài. Bây giờ chúng ta cần nhanh chóng hành động để có thể làm những điều đúng đắn trong nước và cải thiện vị thế ở châu Âu, để thế giới một lần nữa thấy Đức đáng tin cậy", ông Merz nói sau cuộc bầu cử.

Lãnh đạo liên minh CDU/CSU Friedrich Merz tại đêm bầu cử ở Berlin, Đức ngày 23/2. Ảnh: AFP
Friedrich Merz, 69 tuổi, sinh ra ở vùng nông thôn Sauerland, miền núi Tây Đức sau khi Thế chiến II kết thúc một thập kỷ. Ông là người bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa bảo thủ và gia nhập đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từ khi học trung học.
Sau thời gian ngắn phục vụ trong quân đội, ông theo học chuyên ngành luật tại một đại học ở Bonn, khi đó là thủ phủ của Tây Đức. Merz trở thành thành viên bảo thủ của Nghị viện châu Âu năm 1989, thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ.
5 năm sau, ông được bầu vào Bundestag, quốc hội liên bang Đức. Tại đây, ông xây dựng quan hệ thân thiết với Wolfgang Schauble, chính trị gia đảng CDU kiêm cựu bộ trưởng tài chính Đức, người ủng hộ mạnh mẽ hội nhập Liên minh châu Âu. Với sự ủng hộ của Schauble, Merz trỗi dậy và trở thành lựa chọn tiềm năng cho vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, năm 2002, ông thua trong cuộc cạnh tranh với bà Angela Merkel. Thấy mình không có vai trò gì trong CDU dưới thời bà Merkel, ông Merz rút khỏi Bundestag năm 2009 và chuyển sang làm luật sư, đồng thời lãnh đạo tổ chức vận động hàng lang Atlantik-Brucke ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trong thời gian làm việc tại Atlantik-Brucke, ông đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thỏa thuận thương mại quan trọng giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông cũng tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.
Khi bà Merkel rời vị trí lãnh đạo CDU năm 2018, ông Merz đã nắm bắt cơ hội để trở lại chính trường. Ông tin rằng chủ nghĩa trung dung và các chính sách mở cửa cho người tị nạn vào châu Âu cũng như nước Đức của bà Merkel đã cho phép đảng cực hữu AfD trỗi dậy.
Ông đặt mục tiêu hủy bỏ phần lớn di sản của bà Merkel và hướng tới kéo CDU sang cánh hữu. CDU khi đó đứng trước khủng hoảng sau thất bại bầu cử trước đảng trung tả SPD của ông Olaf Scholz và đã quyết định bầu Merz làm lãnh đạo đảng vào năm 2022.
Các cuộc thăm dò từ lâu cho thấy ông Merz là ứng viên mạnh để lật đổ Thủ tướng Olaf Scholz và chấm dứt điều mà lãnh đạo CDU/CSU gọi là "ba năm mất mát" của Đức. Trong bài phát biểu gần đây tại quốc hội, Merz ví ông Scholz như một giám đốc đã làm phá sản công ty nhưng vẫn đòi gia hạn hợp đồng thêm 4 năm.
"Các vị có biết chủ doanh nghiệp sẽ nói gì khi họ ngừng cười không? Họ sẽ lịch sự yêu cầu các vị rời công ty", ông nói.
Ông Merz tranh cử với lời hứa hồi sinh nền kinh tế Đức, cũng như xây dựng lại vị thế của Berlin trên thế giới để "lấy lại hình ảnh nước Đức mà chúng ta có thể tự hào" bằng những chính sách quyết liệt.
Một trong những cam kết cứng rắn nhất của ông là đóng cửa biên giới Đức với người nhập cư không giấy tờ, ngay cả khi họ xin tị nạn, đồng thời bắt giam những người đang chờ trục xuất.
Tháng trước, ông Merz gây tranh cãi trong quốc hội và dấy lên làn sóng biểu tình khi thúc đẩy dự luật thực hiện chiến dịch trấn áp nhập cư trái phép. Để có thể thực hiện điều này, ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ của AfD, phá vỡ điều cấm kỵ lâu nay trong các đảng chính thống ở Đức là không hợp tác với đảng cực hữu này.
Một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng thiên hữu của ông Merz là cam kết thúc đẩy luật pháp "không khoan nhượng", nhằm đảo ngược luật hợp pháp hóa cần sa, hạn chế các chính sách "thức tỉnh" và ngôn ngữ nhạy cảm về giới tính, nghiên cứu phát triển lại năng lượng hạt nhân. Ông lập luận rằng những điều này sẽ giúp thu hút những cử tri ủng hộ đảng AfD.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Merz có thể làm dịu một số chính sách cứng rắn trên khi tìm cách thành lập chính phủ liên minh với các đối tác cánh tả như đảng Xanh.
Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Scholz đã mô tả đối thủ của mình là "người nóng nảy" và cáo buộc ông Merz có thể thành lập chính phủ liên minh với AfD, điều mà lãnh đạo CDU/CSU bác bỏ.
Những người ủng hộ Merz tranh luận rằng ông chỉ là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro và không né tránh các cuộc tranh luận gay gắt.
Những người bảo thủ Đức từ lâu hy vọng chính sách biên giới cứng rắn, nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực tư nhân và mối quan hệ tốt với Mỹ sẽ giúp ông Merz được Tổng thống Donald Trump yêu mến một khi ông trở thành thủ tướng Đức.
"Merz là một trong những người Đức có quan hệ tốt nhất ở Mỹ. Ông ấy cũng biết cách hành động hiệu quả và quen với quan điểm rằng phải thẳng thắn", Thomas Silberhoen, nhà lập pháp bảo thủ chuyên về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại quốc hội ngày 16/12/2024. Ảnh: AP
Ông Merz cũng từng cam kết sẽ đạt "thỏa thuận" với ông Trump. Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, ông cho rằng Đức có thể lấy lòng Tổng thống Trump bằng cách mua tiêm kích F-35 của Mỹ và tăng chi tiêu quốc phòng vượt mức 2% GDP.
Tuy nhiên, giọng điệu của ông Merz về mối quan hệ với Mỹ đã thay đổi mạnh mẽ trong những ngày qua, khi cảnh báo về nguy cơ tan vỡ quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
"Sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu đang trở nên nhiều hơn. Bây giờ nó không chỉ về phòng thủ, mà còn về những quan điểm về dân chủ và xã hội cởi mở", ông nói gần đây.
Ông Merz sau đó tiếp tục cảnh báo châu Âu nên chuẩn bị khả năng ông Trump chấm dứt chính sách "chiếc ô an ninh", đồng thời nói rằng Đức cần thảo luận về "chia sẻ vũ khí hạt nhân hoặc ít nhất là an ninh hạt nhân" với các cường quốc như Anh và Pháp.
Sau khi CDU/CSU giành chiến thắng bầu cử, ông Merz ngày 23/2 nói rằng "đối với tôi, ưu tiên tuyệt đối là củng cố châu Âu càng nhanh càng tốt để từng bước độc lập khỏi Mỹ trong các vấn đề quốc phòng".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu thủ tướng tiếp theo của Đức có đưa EU thay đổi thành công hay không. Ông Merz bày tỏ sẵn sàng vạch lộ trình mới cho EU, nhưng con đường phía trước còn mờ mịt, theo giới quan sát.
"Đức phải đóng vai trò lãnh đạo trong nỗ lực đó. Chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm này và tôi quyết tâm làm điều đó", ông nói.
Thùy Lâm (Theo France 24, Washington Post, Politico)