Hơn 1 tỷ USD tiền "bẩn" được hợp thức hóa trên toàn thế giới mỗi năm. |
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 74 đó là yêu cầu giám sát các khoản giao dịch tiền mặt có giá trị lớn nhằm phòng ngừa những thương vụ rửa tiền. Các định chế tài chính phải kiểm soát chặt và báo cáo về những giao dịch tiền mặt (gồm VNĐ, ngoại tệ, vàng) trong ngày của một cá nhân, hay tổ chức mà tổng trị giá từ 200 triệu đồng trở lên. Đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm thì tổng giá trị là 500 triệu đồng trở lên. Các mức giá trị giao dịch tiền mặt sẽ được Thủ tướng quy định lại cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.
Điều 3, khoản 1: Rửa tiền Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; b) Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; c) Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có. |
Theo yêu cầu của Chính phủ, các định chế tài chính phải xây dựng quy trình kiểm soát, kiểm toán nội bộ bảo đảm cho việc phòng, chống rửa tiền có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Một quy trình về tìm hiểu, cập nhật thông tin và thủ tục nhận biết khách hàng cũng phải được xây dựng nhằm giám sát chặt những khách hàng cũng như giao dịch đáng ngờ.
Một trung tâm thông tin trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống rửa tiền này. Trong quá trình thực thi, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan chức năng và ngân hàng có thể tạm thời không thực hiện giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản hoặc thậm chí tạm giữ người vi phạm. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, nếu phát hiện những giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, có thể tố giác, cung cấp thông tin hoặc thông báo bằng văn bản hay các phương thức hợp pháp khác cho Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người phạm tội có liên quan đến rửa tiền thì bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Trường hợp các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền, nếu vi phạm quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, việc ban hành nghị định riêng về phòng, chống rửa tiền là quyết tâm lớn của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng còn yếu, trong khi tình trạng tham nhũng diễn ra tinh vi, mức độ sử dụng tiền mặt cao và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn. Rửa tiền là một trong những hành vi tội phạm xuyên quốc gia mà hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt. Hàng năm, hơn 1.000 tỷ USD đã được hợp pháp hóa trên toàn cầu, không ít tập đoàn tài chính đã bị sụp đổ vì vấn nạn này. Nhưng tại Việt Nam, nghiệp vụ chống rửa tiền vẫn rất mới mẻ. Trước đây, đã có quy định về hành vi che giấu, hợp pháp hóa các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, nhưng còn tản mạn trong các văn bản pháp luật.
Nghị định phòng chống rửa tiền bắt đầu được khởi thảo từ năm 2002. Đến tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước chính thức trình dự thảo lên Chính phủ. Nghị định 74/CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2005.
Song Linh