Quá trình đàm phán song phương đã diễn ra từ năm 2002. Tại cuộc đàm phán tháng 10 năm ngoái ở Canberra, hai bên đã đạt được thỏa thuận về cơ bản trong đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cũng như các vấn đề liên quan đến nguyên tắc áp dụng quy chế tối huệ quốc đối với các doanh nghiệp Australia. Đến đầu tháng 2 vừa qua, hai bên đã hoàn tất quá trình đàm phán.
Theo ông Tự, Australia là đối tác thương mại quan trọng, là bạn hàng lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của VN. Năm ngoái, tổng kim ngạch hai chiều đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Về đầu tư, Australia cũng là đối tác đầu tư quan trọng của VN. Hiện nay, các công ty của nước này đã hoạt động tại VN trong các lĩnh vực khác nhau như viễn thông, ngân hàng, pháp luật, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, chế biến thực phẩm, y tế và môi trường...
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự và người đồng nhiệm Australia David Spencer. Ảnh: K.G. |
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết, Australia là một nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh. Do đó, trong quá trình đàm phán, Australia luôn đưa ra những yêu cầu rất cao trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, phía VN đã yêu cầu phải có sự điều chỉnh hợp lý bởi khả năng cạnh tranh về nông nghiệp của VN kém xa Australia. "Chẳng hạn như thịt bò, Australia yêu cầu một mức thuế rất thấp nhưng chúng ta đã yêu cầu họ phải chấp nhận mức 20 hoặc trên 20% cho phù hợp với điều kiện của VN và họ đã đồng ý", ông Tự nói thêm.
Nói về phiên đa phương thứ 11 sắp tới, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết, các vấn đề chính sẽ được bàn thảo là trợ cấp nông nghiệp, quyền kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề xây dựng pháp luật của VN.
Riêng vấn đề đàm phán với Mỹ, theo ông Tự, thì đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, khả năng có kết thúc trong tháng 3 này hay không còn phụ thuộc vào thiện chí của cả hai bên.
Theo bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Mỹ -Việt, hiện nay những vấn đề gai góc chính còn lại trong đàm phán giữa hai nước là thuế, dịch vụ và phân phối. Theo bà, nếu đàm phán có thể kết thúc được trong tháng 3 hoặc tháng 4 thì khả năng VN được Quốc hội Mỹ thông qua quy chế bình thường thương mại vĩnh viễn sẽ diễn ra sớm hơn.
Hà Vy