Cách thực hiện phương pháp điều trị mới bao gồm tách tế bào miễn dịch mang tên bạch huyết bào T từ mạch máu của bệnh nhân và chỉnh sửa một trong hai loại thụ thể trên tế bào T là thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR) hoặc thụ thể tế bào T (TCR). TCR tồn tại tự nhiên trên bề mặt tế bào T trong khi CAR là thụ thể nhân tạo sản sinh trong phòng thí nghiệm. Những thụ thể này cho phép tế bào T đã chỉnh sửa nhận dạng tế bào ung thư hoặc tế bào nhiễm virus.
Đây là phương pháp giúp cách mạng hóa công tác điều trị cho bệnh nhân ung thư này cũng đang được sử dụng rộng rãi để chữa các bệnh truyền nhiễm như virus viêm gan B (HBV), theo báo cáo của nhóm nghiên cứu công bố hôm 12/3 tạp chí Experimental Medicine.
"Phương pháp trên thường dùng trong điều trị ung thư, giúp định hướng để tế bào T của bệnh nhân tìm thấy và tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, tiềm năng của nó đối với những bệnh truyền nhiễm và các loại virus chưa được khám phá. Chúng tôi cho rằng một số bệnh truyền nhiễm như HIV và HBV có thể là mục tiêu hoàn hảo cho phương pháp này, đặc biệt nếu tế bào T được chỉnh sửa để duy trì hoạt động tích cực trong khoảng thời gian nhất định, giúp giảm thiểu tác dụng phụ tiềm ẩn", tiến sĩ Anthony Tanoto Tan, nghiên cứu sinh trong chương trình Bệnh truyền nhiễm mới (EID) của Duke-NUS, trưởng nhóm tác giả, chia sẻ.
Kiểu điều trị miễn dịch như vậy đòi hỏi nhân sự chuyên môn cao và thiết bị chuyên dụng. Điều này khiến phương pháp mới trở nên tốn kém đối với điều trị phần lớn bệnh truyền nhiễm do virus. Chẳng hạn như bệnh HBV, phương pháp kháng virus hiện nay chỉ ức chế sự nhân lên của virus và chữa khỏi bệnh cho gần 5% bệnh nhân. Kết hợp thuốc kháng virus và chỉnh sửa CAR/TCR của tế bào T có thể trở thành phương án khả thi. Cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu là sử dụng điện di mARN để chỉnh sửa CAR/TCR nhằm hạn chế hoạt động của chúng trong thời gian ngắn.
"Chúng tôi chứng minh tế bào T có thể được chỉ dẫn để nhắm vào virus corona gây dịch SARS. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu khám phá tiềm năng của phương pháp miễn dịch dựa trên CAR/TCR của tế bào T nhằm kiểm soát Covid-19 và bảo vệ bệnh nhân trước các triệu chứng bệnh", giáo sư Antonio Bertoletti ở chương trình EID của Duke-NUS, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
An Khang (Theo Phys.org)