Đọc bài Luật bất thành văn của Bảo Uyên, tôi cảm thấy nhà báo còn giữ lại gì đó chưa nói hết. Luật của chúng ta có phải được tạo ra trong môi trường chân không (tức là không gắn với thực tế)?
Tôi thấy có nhiều điều khoản luật trước khi ban hành đều được đem ra tham khảo ý kiến công chúng. Công chúng là người chịu ảnh hưởng trực tiếp khi luật ban hành thì làm sao kém thực tế được. Không may, điều đó lại là sự thật.
Công chúng nước ta nhiều người còn kém thực tế. Cách nay không lâu, nhà nước dự định thay đổi bổ sung điều khoản nghỉ thai sản, mỗi ngày cho phụ nữ có con sơ sinh nghỉ mộtgiờ. Nhiều người đọc không kỹ, không liên hệ thực tế, ào ào ủng hộ. Hoặc là họ chưa từng có con, hoặc là họ có con nhưng không quan tâm quá trình nuôi con, phó mặc mọi chuyện cho bà và mẹ.
Tôi từng phụ vợ chăm sóc con từ khi sơ sinh đến 3 tuổi nên tôi hiểu rõ vấn đề. Nghỉ một giờ mỗi ngày chả giúp được gì. Nếu được thì phải nghỉ ít nhất nửa năm, tốt nhất là một năm. Hiếm có nhà trẻ nào chịu nhận trông giữ trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
Chúng đau ở đâu, khó chịu chỗ nào, chúng không nói hay chỉ ra được. Cha mẹ có thể lật xuôi lật ngược đứa trẻ tìm xem có con gì lẩn khuất trong các ngấn thịt của chúng không, tìm không được nguyên nhân thì đưa nó đến bác sỹ nhi khoa, người trông trẻ phải trông coi cả chục đứa làm sao chú ý kịp thời được.
Nghỉ dài ngày thì làm sao có thu nhập? Phải có các quỹ trợ cấp dạng như bảo hiểm, phải có nghiệp đoàn luôn có nhân lực dự trữ có khả năng làm việc cơ động để thay người bất cứ lúc nào.
Người ta văn minh vì người ta luôn suy nghĩ tìm cách giải quyết khó khăn của cá nhân trong một nhóm đối tượng cụ thể được giúp đỡ bởi sự đóng góp thường xuyên của cả xã hội. Còn ta thì chỉ tư duy tạo điều kiện cho cá nhân ấy tự giải quyết. Tầm nhìn hạn hẹp như vậy làm sao tạo ra tiến bộ xã hội?
Người ta phải đóng thuế thu nhập rất cao vì khoản thuế này được phân bổ vào vô số quỹ phúc lợi còn ta đóng thuế thấp vì chả có mấy quỹ phúc lợi thật sự hoạt động thường xuyên.
Nhiều người chưa hiểu rõ bản chất của thuế thu nhập. Bạn chưa có con nhưng bạn vẫn phải đóng thuế để con người khác được đi học miễn phí. Bạn chưa có vợ nhưng bạn vẫn phải đóng thuế để vợ người khác được nghỉ thai sản dài ngày. Đại loại như vậy. Đó là bản chất của thuế thu nhập.
Ở ta, sắc thuế này giống như thứ gì đó mà ta buộc phải đóng mà không hiểu nó dùng để làm gì. Bởi vậy khi nói đến sắc thuế, mức thuế là rất nhiều người ta thán cơ bản không phải vì nó ảnh hưởng đến thu nhập thực tế mà vì cảm thấy phí tiền do luật thuế của ta kém minh bạch thu chi.
Mọi vấn đề xã hội đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau. Xem hiểu một vấn đề mà bóc tách riêng biệt nó ra thì chả bao giờ giải quyết được vấn đề đến nơi đến chốn.
Muốn có nhà hát giao hưởng phải có người biết nghe nhạc giao hưởng. Muốn có người biết nghe nhạc giao hưởng phải có giáo dục âm nhạc từ nhỏ, có sự luyện tập nhạc cụ thường xuyên, có các giải thưởng âm nhạc cho các cuộc thi không chuyên đến chuyên nghiệp ở mọi lứa tuổi.
Một chuỗi vấn đề liên hệ trực tiếp với nhau như thế chứ còn bóc tách riêng cái nhà hát giao hưởng ra thì chả bao giờ giải quyết được. Tương tự với chuyện nghỉ thai sản hoặc bất kỳ vấn đề xã hội nào.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.