Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, đang giữ lợi thế trong kịch bản tái đấu với Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024. Đây được coi là động lực để ông Trump vạch ra những chính sách nhiều tham vọng cho nhiệm kỳ tiếp theo của mình nếu ông thắng cử.
Trong các cuộc vận động, ông Trump không ngần ngại chia sẻ về các mục tiêu của mình nếu tái đắc cử, đồng thời tăng cường tham vấn với các cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền của ông và gặp các chuyên gia từ những trung tâm nghiên cứu cánh hữu về chính sách điều hành đất nước tương lai.
Những người ủng hộ Trump nói rằng ông đang tìm cách khôi phục lại nước Mỹ trở lại vị thế trước cuộc bầu cử năm 2020, đồng thời giải quyết những công việc còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ý tưởng mà Trump đề cập thường xuyên nhất gần đây là "thanh lọc" bộ máy chính quyền vốn bị ông gọi là "nhà nước ngầm". Cựu tổng thống nhiều lần nói rằng ông là nạn nhân của cuộc "đàn áp chính trị", sau khi đối mặt với loạt vụ truy tố cấp bang và liên bang trong năm nay.
Giới quan sát cho rằng nếu tái đắc cử, một trong những việc đầu tiên ông Trump sẽ làm là bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí hàng đầu trong chính phủ như Bộ Tư pháp, FBI, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
"Tôi nghĩ cần phải có một cuộc thanh lọc ở những nơi thích hợp, sau khi xem xét ai đã làm sai điều gì và khắc phục thế nào. Quá trình này có thể xảy ra với quy mô lớn ở một số cơ quan chính phủ", Kash Patel, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Trump và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới nước Mỹ ở Washington, tổ chức tư vấn thân Trump, nói.
Patel tuyên bố kế hoạch điều hành chính phủ này không phải hành động "báo thù", song cho rằng phải có ai đó trong các cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.
Một vấn đề khác được Trump chú ý nhiều là chính sách thương mại của Mỹ. Khi đương nhiệm, ông đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đe dọa trả đũa nhiều đối thủ thương mại, thậm chí là với những đồng minh như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể làm như vậy lần nữa nếu trở lại Nhà Trắng. Hồi tháng 8, ông đề xuất tự động áp thuế với mọi loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng nội địa.
"Phải quàng chiếc tròng vào cổ các công ty nước ngoài", ông nói với Fox Business. "Khi họ vào Mỹ và bán phá giá sản phẩm, họ phải nộp thuế. Có thể là mức 10%. Số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ".
Cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Moore, người gần đây xuất hiện tại dinh thự Mar-a-Lago của Trump, cho biết chính sách thương mại của ông Trump chưa được soạn thảo chi tiết, song cựu tổng thống đã nói rất nhiều về những điều đó. "Đây sẽ là vấn đề lớn", ông nói.
Một cựu quan chức dưới thời ông Trump nói rằng tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là chính sách cần thiết trong nhiệm kỳ mới. Đầu năm 2020, ông Trump đạt thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giảm bớt căng thẳng thương mại song phương. Tuy nhiên, những người thân cận với Trump cho rằng Bắc Kinh đã không tôn trọng các điều khoản thỏa thuận.
Dù duy trì các khoản thuế mà Trump đã áp với Trung Quốc và tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ "không tách rời" mà chỉ "giảm thiểu rủi ro" trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh tại California tuần trước, ông Biden và ông Tập cam kết giảm căng thẳng mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Tuy nhiên, cựu quan chức dưới thời Trump cho rằng chính sách với Trung Quốc của ông Biden quá mềm mỏng. "Chúng ta nên tăng thuế, bởi tình hình đã trở nên tệ hơn", quan chức này nói.
Cựu tổng thống Trump cũng chỉ trích chính sách ngoại giao của ông Biden, nói rằng Hamas sẽ không bao giờ tấn công Israel và Nga sẽ không đưa quân vào Ukraine nếu ông còn nắm quyền. Ông cho rằng thế giới hiện bất ổn hơn so với khi mình còn nắm quyền.
Ông Trump tuyên bố có thể mang lại hòa bình cho Ukraine trong "24 giờ". Ông nói ông biết "tất cả những người chơi" trên thế giới, nên có thể ngăn "Thế Chiến III".
Kịch bản ông Trump tái đắc cử chắc chắn sẽ đặt ra những câu hỏi về tương lai viện trợ kinh tế và an ninh với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ, cũng như tương lai của NATO.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, ông Biden đã nỗ lực củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nhưng ông Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO và nếu nắm quyền nhiệm kỳ hai, ông có thể sẽ tiếp tục tăng sức ép để các nước đồng minh trong khối phải tăng ngân sách quốc phòng.
"Chúng tôi không muốn gánh vác tất cả gánh nặng cho các nước NATO vì nó gắn liền với mở rộng liên minh và triển khai lực lượng lớn ở châu Âu. Đây là điều mà chúng tôi muốn tránh xa nhất có thể", Russell Vought, cựu giám đốc ngân sách Nhà Trắng dưới thời ông Trump và hiện là chủ tịch Trung tâm Đổi mới nước Mỹ, nói.
Việc xây dựng một phần bức tường ở biên giới miền nam trong nhiệm kỳ của ông Trump đã không ngăn được làn sóng người nhập cư vượt biên vào Mỹ. Ông tuyên bố nếu tái đắc cử sẽ tiến hành chính sách đối phó khắc nghiệt hơn với làn sóng nhập cư này.
"Những gì chúng ta đang thấy là điều chưa từng có. Đó là điều đáng buồn đối với đất nước của chúng tôi. Nó làm ô uế dòng máu của đất nước chúng ta", ông Trump nói tháng trước, đề cập đến những người di cư vào Mỹ.
Ông Trump và các trợ lý hàng đầu như Stephen Miller, người có đường lối cứng rắn về nhập cư và từng là quan chức Nhà Trắng, đã cân nhắc các đề xuất như khôi phục lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ các nước Hồi giáo, truy quét người nhập cư không có giấy tờ và thiết lập các trại giam người tị nạn lớn gần biên giới phía nam. Họ cũng xem xét chấm dứt chính sách cấp quyền công dân cho người sinh ra ở Mỹ.
"Bất kỳ nhà hoạt động nào nghi ngờ quyết tâm của Tổng thống Trump đều đang phạm sai lầm. Ông Trump sẽ giải phóng kho vũ khí khổng lồ của liên bang để trấn áp làn sóng di cư", Miller nói.
Thanh Tâm (Theo FT)