Phiên họp toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa 20 ngày 18/7 kết thúc sau bốn ngày làm việc tại Bắc Kinh. Hội nghị đã thông qua các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sức mạnh công nghệ của Trung Quốc song hành với củng cố an ninh quốc gia.
Hội nghị Trung ương 3 thường là dịp để các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những quyết định kinh tế và chính sách lớn. Hội nghị Trung ương 3 năm 1978 đã mở ra thời kỳ mới của Trung Quốc trong công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế, đưa nước này trở thành cường quốc sản xuất và tài chính thế giới.
Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dường như tập trung hơn vào các bước để giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ phương Tây cũng như chất bán dẫn và các hàng hóa thiết yếu khác, đồng thời khẳng định vị thế đi đầu trong các ngành quan trọng với tương lai, như năng lượng sạch, xe điện và điện toán tiên tiến.
Tuyên bố đưa ra sau hội nghị nhấn mạnh "giai đoạn hiện tại và tương lai là thời điểm quan trọng để thúc đẩy toàn diện xây dựng đất nước hùng mạnh và sự nghiệp chấn hưng đất nước thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc".
Các nhiệm vụ đặt ra trong Hội nghị Trung ương 3 dự kiến hoàn thành vào năm 2029, năm kỷ niệm 80 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuyên bố cho biết Trung Quốc cần đồng bộ giữa phát triển đất nước và an ninh, sau một số lo ngại rằng việc chú trọng quá mức vào an ninh quốc gia có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Hội nghị tán thành lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về "phát triển chất lượng cao". Điều này báo hiệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục ưu tiên cho đầu tư công nghệ và khuyến khích các công ty nâng cấp thiết bị, chuyên môn vào thời điểm Trung Quốc đối mặt nhiều hạn chế về tiếp cận công nghệ tiên tiến phương Tây, như chip máy tính và trí tuệ nhân tạo.
"Phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đất nước hiện đại một cách toàn diện", tuyên bố nêu rõ.
Trong khi Nhật và Mỹ đều chứng kiến những bước lùi về kinh tế khi thị trường nhà đất chững lại, lĩnh vực công nghệ kéo theo làn sóng xuất khẩu bùng nổ đã giúp tăng trưởng kinh tế của nước này được duy trì ở mức gần 5%, và nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm duy trì hướng đi này.
Theo dự báo của Bloomberg Economics, nếu kinh tế Trung Quốc vượt qua được các trở ngại, lĩnh vực công nghệ cao sẽ chiếm 19% GDP nước này vào năm 2026, so với mức 11% năm 2018. Nếu tính thêm các ngành mà Trung Quốc gọi là "ba mới" gồm xe điện, pin điện và pin năng lượng mặt trời, tỷ lệ này sẽ tăng lên 23%, thừa đủ để lấp khoảng trống từ lĩnh vực bất động sản đang thu hẹp từ 24% xuống còn 16% GDP.
GDP liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao như dược phẩm, thiết bị tiên tiến, công nghệ thông tin và thiết bị, dịch vụ viễn thông đã tăng 12% trong giai đoạn 2018-2023, nhanh hơn cả mức tăng GDP danh nghĩa 7%.
Tuy nhiên, tầm nhìn về phát triển công nghệ cao của Trung Quốc đang vấp phải một số trở ngại. Kinh tế nước này đang có dấu hiệu chững lại, với tăng trưởng giảm xuống mức 4,7% trong quý II, do nguồn đầu tư vào bất động sản và mua bán nhà đất tiếp tục giảm, bất chấp loạt biện pháp nhằm khuyến khích các gia đình mua nhà ở.
Tuyên bố của hội nghị đề cập việc phải giải quyết những rủi ro trong thị trường bất động sản và các mối đe dọa khác với nền kinh tế, song không nêu cụ thể.
Để giải quyết những lo ngại làm suy yếu niềm tin tiêu dùng, Hội nghị Trung ương 3 thừa nhận cần cải thiện sinh kế cơ bản, giải quyết lợi ích trực tiếp và thực tế của người dân, cũng như liên tục đáp ứng mong muốn của người dân về cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính phủ Trung Quốc cũng hứa hẹn cải thiện phân phối thu nhập, thị trường việc làm, an sinh xã hội và hệ thống y tế.
Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư cho các nhà máy, hy vọng thúc đẩy sản xuất sẽ tạo ra nền kinh tế mạnh mẽ để vượt qua những cơn gió ngược. Mục tiêu này được thể hiện trong các cụm từ của tuyên bố sau Hội nghị Trung ương 3 như "lực lượng sản xuất mới" và "tăng trưởng chất lượng cao", đề cập tới các ngành công nghiệp với công nghệ dẫn đầu được cho là có thể thúc đẩy thời kỳ tăng trưởng tiếp theo của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, Từ Châu, thành phố với 9 triệu dân nằm giữa Bắc Kinh với Thượng Hải, có thể được coi là minh chứng cho nỗ lực này của Trung Quốc.
Khoảng một thập kỷ trước, Từ Châu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nặng như than, thép và xi măng để thúc đẩy kinh tế địa phương. Bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng, khi thành phố từ năm 2015 bắt đầu phá bỏ những khu nhà cũ kỹ, xây dựng loạt chung cư mới, tạo nên cơn sốt đầu tư bất động sản trong 5 năm tiếp theo, thúc đẩy chi tiêu vào nội thất và các mặt hàng khác.
Giữa cơn sốt đó, lo ngại về mức nợ công tăng nhanh, chính quyền Từ Châu quyết định "đạp phanh", khiến giá nhà ở một số khu vực giảm hơn một nửa kể từ năm 2021. Khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng bắt đầu cạn kiệt, thành phố phải đóng cửa nhiều mỏ than, nhà máy thép, hướng ưu tiên sang ba lĩnh vực: Năng lượng mới, vật liệu mới và chế tạo máy.
Chính sách này dẫn đến sự ra đời của GCL Technology, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về silicon đa tinh thể, loại vật liệu chủ chốt trong chế tạo tấm quang năng. Công ty này đã tạo ra hơn 5.000 việc làm, hỗ trợ 450 nhà cung cấp ở Từ Châu trong 5 năm qua, trở thành động lực chính của nền kinh tế xanh địa phương.
Sự chuyển đổi này chính là tầm nhìn mà ông Tập vạch ra vào tháng 10/2017, khi Chủ tịch Trung Quốc công bố kế hoạch chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang chất lượng cao.
Làn sóng pin năng lượng mặt trời và xe điện giá rẻ được coi là yếu tố quan trọng giúp kinh tế Trung Quốc trụ vững trước nhiều khó khăn. Nhưng khi các mặt hàng này tràn vào thị trường thế giới, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lo ngại về nguy cơ một làn sóng thất nghiệp mới và kích hoạt các biện pháp bảo hộ.
Tình hình có thể tệ hơn nếu Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cuối năm nay. Ông Trump, người theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", đã đe dọa sẽ áp thuế 60% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với ông Tập, những biện pháp bảo hộ đó sẽ càng thúc đẩy quyết tâm xây dựng năng lực tự cường của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như chip máy tính tiên tiến, nhằm đảm bảo Bắc Kinh không thất thế khi các căng thẳng thương mại, thậm chí là quân sự, an ninh với bên ngoài trở nên phức tạp hơn.
Một ưu tiên khác của chính phủ Trung Quốc là giảm bớt khó khăn trong huy động tài chính đối với các địa phương đang gặp nhiều vấn đề về nợ công, khi lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn khiến nguồn thu từ thuế giảm mạnh.
Hội nghị Trung ương 3 đã đề cập về sự cần thiết của cải cách hệ thống thuế, cũng như hội nhập tốt hơn giữa thành phố và nông thôn, nhưng chưa nêu chi tiết. Trong những ngày tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đề ra các chính sách cụ thể hơn nhằm đối phó với sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng cũng như đà phục hồi của nước này hậu đại dịch Covid-19.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nói rằng nước này vẫn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuyên bố của hội nghị nhiều lần nhấn mạnh việc cần mở cửa thị trường, song cũng thêm rằng phải ngăn chặn bất kỳ rủi ro mang tính ý thức hệ nào.
Li Haidong, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc mong muốn nhiều người trên thế giới được hưởng lợi từ thành tựu phát triển của mình, bằng cách miễn thị thực cho công dân nhiều quốc gia hơn, xây dựng chính sách thân thiện và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài, định hướng tốt hơn về toàn cầu hóa kinh tế, trong khi một số cường quốc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập.
Các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh "an ninh quốc gia phải là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển ổn định và lâu dài" của quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Hội nghị cho rằng hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang cũng là một phần không thể tách rời của hiện đại hóa Trung Quốc.
Hội nghị chỉ ra rằng đảng Cộng sản Trung Quốc phải cải thiện cơ chế và thể chế để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo phát triển chất lượng cao và an ninh hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng trước các "thách thức và hành vi khiêu khích từ bên ngoài" có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai.
"Trung Quốc sẽ đối phó với các thách thức và rủi ro từ bên ngoài, phấn đấu giữ vai trò dẫn dắt trên trường quốc tế và nỗ lực tạo dựng môi trường bên ngoài thuận lợi", tuyên bố có đoạn.
Global Times dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng tuyên bố của Hội nghị Trung ương 3 cho thấy nước này sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình giữa những biến động, bất ổn và xu hướng đối đầu khối trên thế giới. Họ cho rằng để bảo vệ lợi ích cốt lõi, Trung Quốc phải có khả năng mạnh mẽ và đáng tin cậy về an ninh quốc gia và quốc phòng.
"Quân đội Trung Quốc nên chuẩn bị tốt để bảo vệ chủ quyền, lợi ích phát triển và tất cả lợi ích cốt lõi của đất nước bất kỳ lúc nào, cũng như có thể tấn công đánh bại bất kỳ hành động khiêu khích nào từ kẻ thù", một chuyên gia quân sự giấu tên ở Bắc Kinh nói.
Tuy nhiên, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia của công ty nghiên cứu Capital Economics ở Anh, cho rằng việc đảm bảo hài hòa giữa tăng cường an ninh và tăng trưởng kinh tế sẽ là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn của Trung Quốc. Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào cuối tháng này có thể sẽ tập trung đưa ra những quyết sách lớn nhằm giải quyết bài toán trên.
Thùy Lâm (Theo AP, Global Times, WSJ)