Tại toạ đàm "Bước tiến ngành công nghiệp hỗ trợ" ngày 26/9, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý – Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết, 4 năm trước chỉ có duy nhất một đơn vị trong nước được xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Con số này hiện tăng lên 3-5 đơn vị, trong khi có tới 30 doanh nghiệp ngoại được nhận hỗ trợ.
Bình luận về con số này, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam nói, vô hình chung chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại khiến doanh nghiệp ngoại được hưởng lợi.
Giải thích thêm, bà Thúy cho hay, doanh nghiệp trong nước phần lớn là vừa và nhỏ nên thiếu sự chuyên nghiệp trong hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện xét duyệt. Nhiều doanh nghiệp nội trong ngành cho biết họ "không biết gì về chính sách ưu đãi của Nhà nước".
"Doanh nghiệp FDI có hẳn bộ phận pháp lý nên hồ sơ xin xác nhận để hưởng ưu đãi rất đầy đủ, trong khi doanh nghiệp trong nước không có, hồ sơ khá sơ sài nên không đáp ứng được các tiêu chí đưa ra. Vì thế doanh nghiệp nội không tận dụng được chính sách", đại diện Cục Công nghiệp chia sẻ.
Không tận dụng được chính sách hỗ trợ sẵn có, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thiếu vốn, nên mãi không thể lớn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp (chuyên sản xuất cơ khí chính xác), cho biết doanh nghiệp này đã gia công, sản xuất cho đối tác lớn của Mỹ và Nhật từ lâu, nhưng "mãi không lớn được" vì không có tiền mở rộng.
"Chúng tôi không vay được, dù đã trình hợp đồng, đơn đặt hàng của đối tác với nhà băng, trong khi ngân hàng chỉ đòi thế chấp tài sản. Mà tài sản thì cái gì thế chấp được chúng tôi đã thế chấp hết cả rồi", ông Hoàng nói.
Là người "đi cùng" các doanh nghiệp nhiều năm nay, bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VACI) thừa nhận, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính rất khó khăn. Bà kể, quá trình tiếp cận, kêu gọi các quỹ đầu tư tài chính rót vốn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì nhận được sự lưỡng lự từ họ vì "đây là ngành khó tạo ra lợi nhuận".
Theo bà Bình, muốn vay vốn doanh nghiệp buộc phải có thế chấp tài sản, trong khi ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, chỉ cần cung cấp hợp đồng cấp hàng cho Toyota hay Samsung là được giải ngân.
"Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ là phải có đầu tư tốt, nhưng chúng ta lại không có. Hiệp hội cũng đã thử kêu gọi các quỹ đầu tư, nhưng họ bảo lợi nhuận thấp nên không mặn mà, trong khi họ sẵn sàng đi đầu tư cho quán cà phê", bà Bình nói thêm.
Ông Đào Phan Long tỏ ra tiếc nuối khi hơn 20 năm qua ngành này đã để mất thị trường nội địa vào tay các "tay chơi" lớn nước ngoài. "Giờ không có vốn, thị trường doanh nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất thì bán cho ai?", ông Long nói. Vì thế, ông cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.
Anh Minh