Bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, ngày 16/8 được Hạ viện Thái Lan bầu làm thủ tướng, kế nhiệm ông Srettha Thavisin, lãnh đạo bị Tòa án Hiến pháp phế truất do vi phạm tiêu chuẩn đạo đức. Paetongtarn là người thứ ba thuộc gia tộc Shinawatra giữ chức vụ này sau bố Thaksin và cô ruột, bà Yingluck.
"Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, tôi sẽ phối hợp cùng quốc hội với trái tim rộng mở, sẵn sàng đón nhận mọi ý tưởng giúp phát triển đất nước", bà Paetongtarn phát biểu ngày 18/8, sau khi được Quốc vương Maha Vajiralongkorn bổ nhiệm.
Bà Paetongtarn, người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị và điều hành, lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đang chật vật khôi phục sau đại dịch Covid-19 và sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai có dấu hiệu suy giảm. Giới quan sát cho rằng tuổi trẻ của bà Paetongtarn là lợi thế lớn trong giai đoạn tranh cử, giúp thu hút cử tri thanh niên, nhưng lại là bất lợi khi bà lên nắm quyền trước nhiều thách thức phức tạp của nền chính trị Thái Lan.
Thủ tướng trẻ nhất Thái Lan tuyên bố sẽ hoàn thiện nội các sớm nhất có thể và tiếp tục thực hiện các chính sách quan trọng dưới thời đồng minh Srettha, như kích thích và cải cách kinh tế, chương trình y tế toàn dân và trấn áp tội phạm ma túy.
Tân Thủ tướng nói sẽ xin lời khuyên từ ông Thaksin, miễn là việc này phù hợp và không dẫn tới rắc rối pháp lý. Ông Thaksin cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ con gái, nhưng không can thiệp vào việc bổ nhiệm nội các.
"Một cây làm chẳng nên non. Do đó, tôi phải xin lời khuyên từ những người có kinh nghiệm để triển khai được nhiều chính sách nhất vì lợi ích quốc gia", bà Paetongtarn nói.
Theo giới quan sát, tiêu điểm trong nỗ lực kích thích kinh tế của liên minh cầm quyền là chương trình phát tiền cho dân mà đảng Pheu Thai đưa ra khi vận động tranh cử năm 2023. Theo đó, mỗi công dân từ 16 tuổi trở lên, thỏa mãn các điều kiện nhất định, sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử, tổng ngân sách cần 500 tỷ baht (hơn 14 tỷ USD).
Nhiều người Thái đã rất mong chờ chương trình phát tiền này, nhưng số phận của nó trở nên bấp bênh sau khi ông Srettha, người thúc đẩy tích cực nhất, bị bãi nhiệm. Bà Paetongtarn tỏ ra thận trọng hơn với kế hoạch đầy tham vọng đó.
"Chương trình ví điện tử cần phải tuân thủ luật tài chính và nhận thêm ý kiến đóng góp từ các đảng phái để làm rõ các chi tiết", bà Paetongtarn nói, thêm rằng bối cảnh kinh tế Thái Lan đã thay đổi, đòi hỏi đánh giá kỹ hơn về kế hoạch phát tiền.
Bình luận được bà đưa ra sau khi có thông tin ông Thaksin kêu gọi từ bỏ chính sách phát tiền, được cho là nhằm bảo vệ con gái khỏi rủi ro tiềm tàng từ những đòn công kích của phe đối lập và các quy định quản lý tài chính phức tạp.
Năm 2017, bà Yingluck đã bị Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên 5 năm tù với cáo buộc tắc trách liên quan một chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Với sự tư vấn của bố, một doanh nhân kiêm chính trị gia lão luyện, bà Paetongtarn nhiều khả năng sẽ tìm được cách đáp ứng nguyện vọng của người dân với chương trình phát tiền, đồng thời tránh các nguy cơ pháp lý có thể xảy ra. "Mục tiêu là kích thích nền kinh tế, do đó, ý định phát tiền vẫn được giữ nguyên", tân Thủ tướng khẳng định.
Chương trình phát tiền cho dân được ông Srettha đưa ra từ tháng 9/2023, nhưng từng bị trì hoãn từ tháng 2 sang tháng 4, sau đó lùi về quý IV năm nay. Thái Lan đã mở đợt đăng ký đầu tiên cho người dân từ ngày 1/8 đến 15/9. Dựa trên số liệu những chương trình tương tự trước đó, giới chức ước tính 90% người đủ điều kiện đăng ký nhận tiền và chính phủ dự định chi 450 tỷ baht.
Ngoài chương trình phát tiền, bà Paetongtarn được kỳ vọng tiếp tục hai chính sách kinh tế còn dở dang của ông Srettha là siêu dự án cầu cạn và hợp pháp hóa sòng bạc.
Trong gần một năm đương nhiệm, ông Srettha liên tục thực hiện các chuyến công du để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đến Thái Lan. Cựu thủ tướng đề cập siêu dự án cầu cạn Land Bridge sẽ giúp giảm thời gian vận tải hàng hóa giữa Biển Andaman và Vịnh Thái Lan, nới lỏng yêu cầu thị thực cho nhà đầu tư dài hạn.
Land Bridge bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt cắt ngang qua eo đất Kra ở miền nam đất nước, nối tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman, với chi phí ước tính 1.000 tỷ baht.
Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu năm 2026 và hoàn thành năm 2036. Tuy nhiên, dự án cũng gây một số tranh cãi, khi hoạt động xây dựng có thể ảnh hưởng đến cộng đồng ngư dân, du lịch bản địa.
Theo số liệu từ Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Phát triển Xã hội Thái Lan, dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP hàng năm từ 4% lên 5,5%. Theo thông báo hồi tháng 7, bản thiết kế dự án sắp hoàn thiện và có thể được nội các Thái Lan bắt đầu đánh giá vào tháng 9, sau đó trình quốc hội xem xét vào tháng 4/2025.
Thái Lan còn đang trong quá trình hợp pháp hóa sòng bạc, tích hợp các casino vào tổ hợp giải trí nhằm giải quyết vấn nạn cờ bạc trái phép và thu hút du khách, thúc đẩy kinh tế.
Bộ Tài chính Thái Lan dưới thời ông Srettha đang lấy ý kiến từ công chúng cho dự thảo Đạo luật Kinh doanh Giải trí Tích hợp. Cựu thủ tướng trước đó đặt mục tiêu thông qua dự luật này vào đầu năm 2025, nhằm có thể mở cửa casino hợp pháp đầu tiên vào năm 2029, sớm hơn so với MGM Osaka, khu nghỉ dưỡng tích hợp mà Nhật Bản dự định mở cửa năm 2030.
Amonthep Chawla, kinh tế gia tại CIMB Thai Bank, lưu ý việc thiết lập nội các mới của Thủ tướng Paetongtarn có thể làm trì hoãn quá trình phê duyệt ngân sách năm 2025. Ông cảnh báo một số rủi ro từ bên ngoài với Thái Lan, trong đó có tình trạng suy giảm của các nền kinh tế lớn như Mỹ.
"Chính phủ mới cũng phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những thách thức tiềm ẩn từ việc kinh tế toàn cầu chững lại, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Thái Lan", ông Amonthep nói.
Surachanee Sriyai, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, cho rằng chính phủ của bà Paetongtarn sẽ phải nỗ lực hết sức để thực hiện cam kết vực dậy kinh tế. "Đảng Pheu Thai cần làm gì đó. Đã một năm trôi qua và họ vẫn chưa thực hiện được bất kỳ cam kết nào đã đưa ra với người dân", bà Surachanee nói.
Như Tâm (Theo Bangkok Post, Nation Thailand)