Chính phủ vừa có Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Ngoài các giải pháp về thị trường, chính sách, thể chế thì giải pháp về chính sách tiền tệ được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết lần này.
Theo đó, cơ quan điều hành tiền tệ được yêu cầu điều hành chính sách linh hoạt trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngân hàng Nhà nước phải quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án chống đôla hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Một lần nữa Nghị quyết của Chính phủ nêu định hướng yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Ý tưởng huy động vàng trong dân đã từng được đề cập cách đây 4-5 năm khi thị trường vàng còn nhiều xáo trộn. Hồi giữa năm 2016, sau đề xuất của Hiệp hội vàng về huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất kinh doanh, đã có những tranh luận khá gay gắt về chuyện nên hay không huy động nguồn lực này. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có quan điểm không ủng hộ khi cho rằng nếu huy động vàng trong dân, cơ quan quản lý sẽ đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đôla hóa, vàng hóa...
Trong khi đó với đồng đôla Mỹ, từ cuối 2015 đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn áp mức trần lãi suất huy động là 0% một năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính thì dù mức lãi suất không còn hấp dẫn người gửi, song huy động ngoại tệ vẫn tăng tại các ngân hàng (trên dưới 10% cơ cấu tiền gửi của hệ thống ngân hàng), chứng tỏ nhu cầu tích trữ, găm giữ ngoại tệ trong dân vẫn còn...