Nội dung này được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính ngày 25/7. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao cơ quan này nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh.
Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.
Bộ Tài chính cuối tháng 6 cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu. Sau đó, không dưới 2 lần Chính phủ "giục" cơ quan này tính toán, sớm trình phương án giảm thuế khi mặt hàng này vẫn neo ở mức cao khiến hàng hoá trong nước lập mặt bằng giá mới.
Sự nấn ná của cơ quan quản lý thuế trong việc trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng lần này có thể xuất phát từ thực tế diễn biến giá thế giới vừa qua hạ nhiệt, giúp giá xăng trong nước giảm trên 6.000 đồng sau 3 kỳ điều chỉnh của tháng 7. Họ cũng lo ngại trường hợp giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam thấp hơn tương đối các nước láng giềng, sẽ dẫn tới thẩm lậu, buôn lậu xăng dầu gia tăng.
Chia sẻ lo ngại này nhưng các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng giảm thêm các loại thuế với xăng dầu là giải pháp căn cơ để mặt hàng này hạ nhiệt, nhờ đó sức ép tăng giá đầu vào, vận chuyển mới giảm bớt. Họ cũng đề nghị không nên chờ tới tháng 10 - thời điểm kỳ họp gần nhất của Quốc hội diễn ra, mà cơ quan quản lý có thểkiến nghị kỳ họp Quốc hội bất thường để quyết nghị vấn đề thuế xăng dầu trong trường hợp cần.
Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có 4 loại thuế: nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí, như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển... chiếm khoảng 5-6%. Tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng sau khi thuế bảo vệ môi trường về mức sàn, theo Bộ Tài chính, dao động 20-23% (với các loại xăng), trên 11% (với dầu diesel).
Tuần trước, Bộ Tài chính cũng cho biết đã trình Chính phủ phương án giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), về 10%. Tuy nhiên, phương án này được cho là có ý nghĩa ở khía cạnh đa dạng nguồn, thị trường nhập khẩu xăng dầu, hơn là hỗ trợ giảm giá bán lẻ trong nước. Giới phân tích cho rằng, muốn kiềm đà tăng, việc giảm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng... sẽ căn cơ hơn.
Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm thế giới vẫn cao nên giá xăng trong nước từ nay tới cuối năm vẫn "rung lắc". Theo đó, hai tháng tới có thể quanh 31.000 đồng và quý IV mới có thể giảm về 24.000 đồng.