Tại kỳ họp này, Chính phủ nhận được hơn 300 chất vấn của 132 đại biểu tập trung vào các vấn đề như: điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát, trách nhiệm của các vị bộ trưởng trong điều hành kinh tế; an sinh xã hội; phòng chống tham nhũng...
Thủ tướng: "Không có chủ trương tăng giá đồng loạt sau tháng 6". Ảnh: Thanh Sơn. |
Theo Thủ tướng, 5 tháng đầu năm, giá trị sản lượng công nghiệp tăng hơn 16%, đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn nổi lên 2 vấn đề lớn: giá tiêu dùng tăng cao và nhập siêu vẫn còn lớn, đe doạ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao trở lại (3,9%) trong đó giá lương thực tăng 22%.
"Tình hình 5 tháng đầu năm cho thấy, chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9% là không hiện thực. Để kiềm chế lạm phát, chúng ta phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt; rà soát điều chỉnh đầu tư công, dành thêm ngân sách cho các nhiệm vụ an sinh xã hội. Những biện pháp này làm giảm nguồn lực cho tăng trưởng", Thủ tướng giải thích.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số cơ quan trong nước và tổ chức quốc tế tính toán các khả năng tăng trưởng theo 3 phương án. Kết quả, mức tăng trưởng theo phương án cơ bản là 7,2%, phương án cao là 7,6% và phương án thấp là 6,7%. Sau khi cân nhắc các mặt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét mức tăng GDP năm nay khoảng 7%.
Trả lời chất vấn của đại biểu tại sao lạm phát ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân sâu xa là đầu tư kém hiệu quả, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế thấp. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nước ta chiếm 90% GDP nên sự biến động của giá thị trường thế giới tác động đến giá trong nước sâu rộng hơn. Việc điều chỉnh lương hằng năm với mức tăng tối thiểu 20% cũng tạo sức ép và gây tâm lý tăng giá...
"Chúng ta không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với những nỗ lực chủ quan, để tránh những tác động bất lợi cho nền kinh tế cũng không nên giảm lạm phát một cách đột ngột. Kinh nghiệm chống lạm phát của các nước và nước ta trong những năm 80 cho thấy, để đưa lạm phát xuống thấp cần phải có thời gian", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, từ cuối năm ngoái, để ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chủ trương chưa tăng giá điện, xăng dầu, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển máy bay, tàu hoả, xe buýt đến hết tháng 6/2008. Sau thời điểm trên, Chính phủ sẽ có phương án xử lý tổng thể, nhưng không chủ trương tăng giá đồng loạt các mặt hàng sau tháng 6.
"Giá dầu thế giới đang tăng cao và biến động phức tạp, với giá bán hiện tại mức bù lỗ rất lớn. Việc xử lý giá xăng dầu cần được cân nhắc cẩn trọng dựa trên khả năng bù lỗ của ngân sách; kết quả kiềm chế lạm phát và tác động của điều chỉnh giá xăng dầu đến giá các mặt hàng khác", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trong giờ giải lao. Ảnh: Việt Anh. |
Câu chuyện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước "sa đà" đầu tư chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đã trở thành chủ đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính hôm qua. Hiện nay cả nước có 8 tập đoàn kinh tế, 96 tổng công ty nhà nước sở hữu gần 400.000 tỷ đồng, giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ chiếm 40% GDP.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết năm 2007, tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào 3 lĩnh vực (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản) chiếm gần 7.400 tỷ đồng. Trong đó, có 13 đơn vị đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư tài chính với hơn 1.000 tỷ đồng. 19 đơn vị góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng.
"Chính phủ đang chỉ đạo sơ kết việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và xây dựng nghị định quản lý. Trước mắt, kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh với tư cách là đại diện chủ sở hữu nhà nước phải tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này", Thủ tướng khẳng định.
Trong chất vấn gửi Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ trong việc quản lý điều hành nền kinh tế. Thủ tướng thừa nhận, có sự lúng túng của các bộ, ngành trong tổ chức thực hiện kiềm chế lạm phát. Phương hướng đúng nhưng liều lượng các giải pháp không hợp lý, có thể làm xuất hiện các khó khăn mới. Giá cả tăng cao vừa qua đã làm cho đời sống của đại bộ phận nhân dân đang thấp lại khó khăn thêm.
"Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Thái độ nhận tích cực và có trách nhiệm nhất là nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những bất cập, kiên quyết khắc phục khuyết điểm. Biến động vừa qua, mỗi thành viên Chính phủ cũng có thêm những bài học mới, kinh nghiệm mới", Thủ tướng nói.
16h45, Thủ tướng kết thúc báo cáo giải trình và trả lời chất vấn. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, mặc dù một số đại biểu đã đăng ký chất vấn trực tiếp nhưng do không còn thời gian nên Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.
'Một số bộ trưởng chưa thấy hết trách nhiệm' Chốt lại phiên chất vấn của kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp này đã nhận được số lượng chất vấn kỷ lục, hơn 304 câu hỏi. Trong đó, 123 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường. "Nhiều đại biểu chất vấn rất trúng, đề cập đúng vấn đề mà xã hội, cử tri quan tâm như lạm phát, nhập siêu, an sinh xã hội, quản lý thị trường. Về phía người trả lời, cũng còn trường hợp trả lời vòng vo, chưa thấy hết trách nhiệm của mình, thiên về lý do khách quan". Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ sẽ lọc những nội dung chính mà các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn, đưa vào Nghị quyết của kỳ họp. Trên cơ sở đó, các thành viên Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện tại các phiên họp sau. |
Việt Anh